Bốn nhóm cơ chế đặc thù được xem là khá rộng trong các lĩnh vực: Quản lý đất đai, quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách và cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Theo đó, Thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố; được đề xuất thí điểm tăng mức thuế với một số lĩnh vực; được áp dụng thu một số phí, lệ phí chưa có trong danh mục; được thực hiện cơ chế tạo nguồn lực cải cách tiền lương; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất; được quyền quyết định bố trí ngân sách chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... Những chính sách này nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ tạo ra nhiều nguồn lực mới phục vụ cho tăng trưởng.
Việc tìm kiếm một cơ chế đặc biệt cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh từ lâu đã được dư luận cả nước quan tâm. Với đóng góp khoảng 25% GDP và gần 30% tổng thu ngân sách quốc gia, “Thành phố mang tên Bác” vừa là đầu tàu, động lực phát triển, vừa là cầu nối hội nhập không chỉ của khu vực mà của cả nước. Sự năng động, sáng tạo và sức trẻ của một đô thị đặc biệt, luôn kiêu hãnh tiến về phía trước, còn là hình mẫu phát triển cho các tỉnh thành khác học hỏi, noi theo.
Muốn sức mạnh đó được giải phóng, đầu tàu cần phải được cởi trói. Quốc hội nhận thức rằng chính quyền Thành phố cần được được phân cấp phân quyền, được linh hoạt, chủ động sáng tạo trong một số lĩnh vực và giới hạn phù hợp. Như lời ví von của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thì "chiếc áo mặc cho TP.HCM đã chật" do đó cần phải có thể chế phù hợp để phát triển. Thể chế đặc biệt này mặc dù dành riêng cho Thành phố, nhưng đồng thời cũng là dành cho cả nước.
Tuy nhiên, cơ chế đặc biệt cũng cần được nhìn nhận ở góc độ “thí điểm”. Các lĩnh vực nói trên đều đã được quy định bởi Hiến pháp, các bộ luật và các văn bản pháp quy, cho dù được trao quyền mở rộng thì về cơ bản phải nằm trong giới hạn cho phép. Khi thảo luận tại nghị trường, các đại biểu cũng đều cho rằng phải cân nhắc làm sao để các cơ chế đặc thù không tạo ra sự khác biệt quá lớn so với các địa phương cả nước, nhất là đối với các địa phương lân cận. Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho khung chung, muốn tiến hành phải có đề án, có chương trình cụ thể. Với các chính sách vượt ngoài thẩm quyền cần có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước từ bộ ngành, Thủ tướng, Chính phủ và cấp cao hơn nữa là tại Quốc hội.
Thực tế này đòi hỏi chính quyền Thành phố phải linh hoạt, sáng tạo, cân nhắc các yếu tố liên quan và các nhóm chịu thiệt thòi khi triển khai các chính sách kinh tế xã hội quan trọng. Việc thực hiện cũng cần được thường xuyên tổng kết, đánh giá để sao cho các thí điểm thành công sẽ được áp dụng rộng hơn, tạo ra sức lan tỏa cho các địa phương khác và là cơ sở cho những quyết sách về sau.
Hơn 40 năm tái thiết và phát triển là chặng đường không dài, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng luôn đứng đầu cả nước, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, những tòa nhà cao tầng mọc lên mỗi ngày, là nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của cả vùng. Hy vọng cơ chế đặc thù sẽ là “cơ hội vàng” để TP Hồ Chí Minh có một sức bật phát triển mới; để dịp kỷ niệm 50 năm được vinh dự mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh sẽ chứng tỏ là một mô hình phát triển thần kỳ của cả nước.