Tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình, thời gian qua, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên tinh thần Thành phố vì cả nước. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đang chậm lại.
Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững của Thành phố. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội được phép ban hành Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.
Việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Thành phố; thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.
Cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển 'mới của Thành phố.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo kiểm soát mức tăng bội chi ngân sách Nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định tương đối và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số cạnh tranh của Thành phố; góp phần tăng mức độ đóng góp của Thành phố đến sự phát triển của cả nước nói chung.
Cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa với cả nước Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Ninh Thuận, Đồng Nai thảo luận ở tổ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Cho ý kiến tại tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước cho nên việc trao cơ chế đặc thù không chỉ có ý nghĩa cho riêng thành phố mà còn đối với cả nước. Đại biểu Nguyễn Hồng Thanh (Quảng Ninh) cho rằng nhằm thể hiện sự đóng góp của Thành phố với cả nước và sự quan tâm của cả nước đối với Thành phố, cần thiết phải ban hành một cơ chế đặc thù đột phá để khai thác các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, đó là lý do rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực để cho phát triển, chúng ta đang thiếu và giải pháp đặt ra là phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá để tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Cần Thơ) đề nghị các đại biểu Quốc hội cần nhận thức rõ được sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, bởi Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. "Đầu tàu kinh tế, vùng động lực đi chậm, có nghĩa là các toa tàu phía sau sẽ chậm theo. Quy định cơ chế đặc thù này không phải cho riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà là cho cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù phải thực sự tạo động lực, đột phá nhưng không được làm giảm sức hút cạnh tranh của thành phố, đồng thời phải đặt trong tổng thể của cả nước" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến các nội dung cụ thể của cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc giao quyền quản lý đất trồng lúa từ 10 ha trồng lúa, từ thẩm quyền của Thủ tướng sang cho HĐND Thành phố để phân cấp mạnh hơn, đón đầu những dự án từ đầu tư lớn. Xung quanh quy định về việc thí điểm xây dựng, thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định hiện hành, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế mà việc tăng đó thực sự tạo động lực, đột phá cho thành phố phát triển; hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng hợp lý; cụ thể như: thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế, sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của Thành phố...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố tại một kỳ họp. Nội dung của Nghị quyết đã được Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến, Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV để xem xét, quyết định. Tờ trình của Chính phủ đã bao gồm đầy đủ các nội dung về đánh giá tác động của chính sách đến việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị và tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bảo đảm an ninh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sửa Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) còn tỏ ý băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật. Đại biểu phân tích: Sẽ có 9 dự án Luật khác cần được sửa đổi, thông qua khi Luật có hiệu lực (từ 1/1/2019) để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 chưa có tên 9 dự án Luật cần sửa đổi trên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung vào Tờ trình về tính khả thi của dự án Luật. Đồng thời, trong dự án Luật có rất nhiều điều, khoản quy định thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, không nói rõ pháp luật gì, vì vậy, cần có sự rà soát để bảo đảm tính khả thi, thống nhất với các Luật khác và các Điều ước, Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về phòng thủ quân khu, một số đại biểu cho rằng Quân khu là địa bàn có vị trí chiến lược, có thực lực về mặt quốc phòng, quân sự, có một hệ thống tổ chức chỉ huy đầy đủ và hiện nay đang giữ vai trò chỉ đạo trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Vì vậy, quy định phòng thủ quân khu là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ phạm vi phòng thủ quân khu bao gồm phòng thủ tỉnh và liên kết tỉnh do cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; bổ sung chức năng của quân khu trong xây dựng khu vực phòng thủ làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện.
Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Quân khu tuy không phải là đơn vị hành chính, nhưng có vị trí rất quan trọng trong điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ tổ quốc. Phòng thủ quân khu nằm trong phòng thủ chung của cả nước, nhưng quân khu ngoài chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu về chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh, thành, quận, huyện, trong đó có sự liên kết, điều hành giữa các địa phương chỉ đạo nhiệm vụ quân sự quốc phòng thì nó là sức mạnh cho tiềm lực quốc phòng cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương có sự vững chắc hơn. Quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi có chức năng, nhiệm vụ của Phòng thủ quân khu là phù hợp, hiệu quả trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân cũng như xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.