Chuyện 'con gà, quả trứng' trong nghiên cứu khoa học

Lâu nay, giới khoa học vẫn thường phàn nàn về sự khắt khe trong duyệt quyết toán ngân sách Nhà nước dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH).

NCKH là một công việc rất đặc thù, đòi hỏi đầu tư lớn về tiền bạc, thời gian, mà kết quả thì nhiều khi khá mông lung. Đó là còn chưa kể với các ngành khoa học cơ bản hoặc lý thuyết, kết quả nghiên cứu luôn ẩn chứa rủi ro về tính khả thi hay thương mại, thậm chí kết quả tốt cũng cần thời gian để chứng minh. Thế nhưng quá trình phê duyệt, nghiệm thu đề tài là một “rừng” cửa ải.

Ở chiều ngược lại, các nhà quản lý cho rằng ngân sách Nhà nước luôn hạn hẹp, chỉ đầu tư cho các đề tài thực sự có chất lượng, có thể áp dụng vào thực tiễn để tạo ra giá trị cho xã hội. Nhà nước không bỏ tiền cho những đề tài NCKH mà sau vài năm kết quả được “xếp ngăn kéo” hoặc làm đẹp cho hồ sơ của một giáo sư, tiến sĩ nào đó. Các nhà khoa học phải chứng minh mỗi đồng tiền Nhà nước bỏ ra đều xứng đáng.

Tại buổi "Đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hôm 11/4 vừa qua tại Hà Nội, một lần nữa vấn đề thanh quyết toán, nghiệm thu các đề tài NCKH sử dụng ngân sách Nhà nước lại được xới lên.

Các nhà khoa học cho rằng Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ NCKH sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn được coi là chìa khóa để giải quyết những mắc mớ nói trên, sau hơn 2 năm triển khai đã phát sinh một số khó khăn, bất cập. Các quy định còn chưa sát với thực tế. Thời gian triển khai từ ý tưởng khoa học đến phê duyệt thực hiện và chuyển giao ứng dụng còn quá dài, có nguy cơ hành chính hóa NCKH. Còn thiếu sự tin tưởng ủng hộ của cơ quan quản lý đối với nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp xác định theo công lao động là chưa hợp lý. Các thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán còn phức tạp. Các quy định để doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu còn bất cập... Quy trình xét duyệt, phê duyệt đề tài cấp nhà nước hiện còn dài và rắc rối, làm giảm tính thời sự và giảm hiệu quả của các đề tài.

Như vậy, thực tế đã chứng minh là quá sớm để kỳ vọng Thông tư 27 - với vai trò tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, các nhà nghiên cứu, cũng như đơn giản hóa các thủ tục tài chính - sẽ thực sự “cởi trói” để các nhà khoa học dành toàn tâm toàn ý cho hoạt động nghiên cứu. Xét ở một góc độ nào đó, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề “có tiền sẽ có đề tài tốt” hay “có đề tài tốt sẽ có tiền” đã quay trở lại vạch xuất phát.

Cũng phải nhìn lại một thực tế là Chính phủ luôn nỗ lực đổi mới công tác NCKH, trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề hiệu quả và tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đầu tư của ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đã đảm bảo 2% tổng chi ngân sách, đạt tốc độ tăng trung bình 17%/năm và là một trong các lĩnh vực có tốc độ tăng chi cao nhất trong chi ngân sách Nhà nước. Dù tổng đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay còn thấp so với mức trung bình của thế giới, nhưng mức 2% đã cơ bản đảm bảo được các quy định của Luật Khoa học và công nghệ và các Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Để có thể có được một giải pháp căn cơ cho hoạt động NCKH thì bản thân Thông tư 27 là chưa đủ. Các bộ, ngành cần tăng cường những chính sách hỗ trợ khác, như vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ hay cơ chế thông thoáng hơn kêu gọi những người làm khoa học ngoài biên chế cùng tham gia công tác NCKH tại các viện, trường đại học, trung tâm thuộc hệ thống công lập. Bản thân giới khoa học cũng cần năng động “thị trường hóa” công tác NCKH, tức phải “bán” được công trình nghiên cứu của mình cho các doanh nghiệp để giảm phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Hiện ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính, chiếm tới 70%, trong khi đầu tư từ doanh nghiệp nói riêng và tư nhân nói chung cho NCKH còn thấp. Nếu không giải quyết được những rào cản này, câu hỏi “quả trứng có trước hay con gà có trước?” sẽ tiếp tục được lặp lại mỗi khi nhắc đến câu chuyện tài trợ cho NCKH.

Vũ Hội
Rà soát các cơ chế liên quan đến quyền tự chủ cho các nhà khoa học
Rà soát các cơ chế liên quan đến quyền tự chủ cho các nhà khoa học

Ngày 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự buổi "Đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN