Dự buổi đối thoại còn có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học đề xuất với Phó Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan các vấn đề về cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động khoa học - công nghệ; quy trình xét, phê duyệt đề tài; ứng dụng, triển khai công nghệ; xây dựng lực lượng cán bộ khoa học công nghệ... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đầu tư của Nhà nước đối với khoa học - công nghệ.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ: Mặc dù đầu tư ngân sách Nhà nước cho khoa học - công nghệ đã được ưu tiên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ với nhu cầu phát triển, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các tổ chức khoa học - công nghệ còn dàn trải, chưa thực sự chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực lợi thế của Việt Nam cần ưu tiên phát triển để hình thành một số tổ chức khoa học - công nghệ mạnh đạt trình độ khu vực và quốc tế. Với cách đầu tư như hiện nay, Việt Nam khó có được hạ tầng khoa học - công nghệ, tổ chức khoa học - công nghệ, phòng thí nghiệm có tầm cỡ khu vực và quốc tế, có năng lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Đình Công cho biết: Hiện công tác quản lý các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu theo Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai đã phát sinh một số khó khăn, bất cập.
Các nhà khoa học cho rằng các quy định còn chưa sát với thực tế triển khai nghiên cứu. Thời gian triển khai từ ý tưởng khoa học đến phê duyệt thực hiện và chuyển giao ứng dụng còn quá dài, có nguy cơ hành chính hóa nghiên cứu khoa học; còn thiếu sự tin tưởng ủng hộ của cơ quan quản lý đối với nhà khoa học khi thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp xác định theo công lao động là chưa hợp lý. Các thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán còn phức tạp. Việc điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu phù hợp thực tế còn nhiều rắc rối. Các quy định để doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu còn bất cập... Quy trình xét duyệt, phê duyệt đề tài cấp nhà nước hiện còn dài và phức tạp, kéo dài hàng năm hoặc hơn làm giảm tính thời sự và giảm hiệu quả của các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện nhiệm vụ khoa học thời gian qua. Phó Thủ tướng xác định trong công tác khoa học, điều cốt lõi đối với các nhà khoa học là quyền tự chủ về chuyên môn, cùng với đó là tự chủ về tài chính, bộ máy và nhân sự.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần rà soát các cơ chế liên quan đến quyền tự chủ cho các nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần có những cơ chế, giải pháp để có kinh phí bổ sung hoặc lập báo cáo về quy định tỷ lệ dự phòng đặc thù cho khoa học trong thực hiện đề tài, nhất là những đề tài bổ sung gấp rút theo đúng tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quy trình đăng ký nghiệm thu đề tài khoa học phải công khai minh bạch, tránh chồng chéo trong nghiên cứu và thực hiện đề tài khoa học, phải làm rõ tính thực tiễn của Đề tài khoa học sau khi được nghiệm thu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu thêm cơ chế chính sách để vấn đề sở hữu trí tuệ, tài sản trong quá trình hoạt động khoa học mang lại hiệu quả cho các đơn vị, cơ sở khoa học nghiên cứu ra đề tài. Đồng thời, có cơ chế mạnh hơn để các chủ nhiệm đề tài có thể ký hợp đồng với những người làm khoa học ngoài biên chế tham gia nghiên cứu khoa học.