Việc Việt Nam bước đầu "đánh thắng” được đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hãng thông tấn, báo chí uy tín thế giới đánh giá cao, điều đó cũng đã phần nào "quảng bá" được đất nước. Bên cạnh đó, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhiều quốc gia Âu, Mỹ khỏi Trung Quốc, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam đang có nhiều lợi thế, bởi uy tín, sự an toàn, môi trường đầu tư đã rộng mở và đặc biệt, Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch này.
Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam đối với các quốc gia tham gia hiệp định.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19.
Điều này được minh chứng khi mới đây, Panasonic Corp. (Nhật Bản) thông báo sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất thiết bị tại Thái Lan vào tháng 3/2021, đồng thời sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất máy giặt và tủ lạnh từ nhà máy tại Thái Lan sang Việt Nam, nơi hãng có cơ sở sản xuất thiết bị lớn nhất ở Đông Nam Á. Hay trước đó, đại gia công nghệ Mỹ - Apple cũng đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất sản mẫu tai nghe AirPods của hãng…
Theo một số chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistic, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
“Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là thế, tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội vàng này, ngay lúc này, các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh, cụ thể và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ bằng những chính sách nhất quán, ổn định; lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành tạo mọi thuận lợi về mặt bằng sản xuất, các ưu đãi cần thiết, hấp dẫn; đồng thời hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục, chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực…
Đặc biệt, đây là thời điểm Việt Nam nên tăng cường xúc tiến đầu tư, có những chính sách chủ động mời gọi nhà đầu tư với những ưu đãi dựa trên lợi thế, bởi không chỉ có mình Việt Nam mang sức hấp dẫn mà vẫn còn nhiều quốc gia khác cũng đang có những nỗ lực cạnh tranh.
Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp trong nước, cơ hội hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia… là rất lớn. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cần kết nối, chia sẻ thông tin và chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, chứ không phải “ngồi yên” và… chờ.