Nhưng tôi đã phải thay đổi suy nghĩ của mình khi bị ám ảnh bởi những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, làm nhiều người thiệt mạng, mà nguyên nhân xuất phát từ người điều khiển phương tiện say rượu bia, hoặc phê ma túy. Ngay đợt ra quân lần này, đập vào mắt tôi là hình ảnh người lái xe khi được lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, đang trong tình trạng mất kiểm soát vì say rượu bia.
Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu lực lượng chức năng không phát hiện, xử lý kịp thời người lái xe sử dụng chất kích thích vừa nêu. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ những vụ tai nạn kinh hoàng do tài xế say rượu gây ra ở Hà Nội trong thời gian gần đây. Rất nhiều người đã phải nhận cái chết oan uổng do những tài xế dương tính với chất ma túy, sử dụng rượu bia quá đà gây ra. Thật đáng báo động, còn bao nhiêu tài xế không bỏ được thói quen uống rượu, bia, thậm chí phê ma túy vẫn tham gia giao thông chưa được phát hiện, vẫn ung dung cầm vô lăng điều khiển những chiếc “hung thần” trên khắp các nẻo đường.
Có thể thấy, việc lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thường được tổ chức hằng năm, thậm chí có năm vài lần, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, Tết. Qua đó, các hành vi vi phạm, số lượng lái xe và phương tiện bị xử phạt thường tăng đột biến. Có nghĩa là, những hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn phức tạp, tai nạn giao thông vẫn chực chờ và số người chết vì tai nạn giao thông hằng năm vẫn không hề giảm.
Theo đánh giá bước đầu, trong những ngày đầu của đợt ra quân lần này, tình hình trật tự giao thông có những chuyển biến tích cực. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được lực lượng chức năng thực hiện kiên quyết, người điều khiển phương tiện vi phạm không dám mãi lộ... Điều này cho thấy, khi được thực hiện nghiêm khắc, tình hình giao thông đã có phần được cải thiện.
Trong suốt thời gian dài cả nước dồn sức chống dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người dân, nhiều tài xế có tâm lý chủ quan, cho phép mình được xả hơi, được hòa mình vào không khí “rượu chè”. Đó cũng chính là thời điểm mà các vụ tai nạn giao thông tăng đột biến, đặc biệt là ở các thành phố, đô thị lớn, các tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ liên tỉnh.
Với những người coi thường luật lệ giao thông, những lần tổng kiểm tra đương nhiên sẽ làm họ lo lắng, nhất là với những chủ phương tiện không trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông. Với đối tượng này, nếu bị lực lượng chức năng thổi còi, chắc chắn là dính lỗi và phải nộp phạt. Lâu nay, rất nhiều người có thói quen tham gia giao thông tùy tiện, điều khiển phương tiện theo bản năng, quên cả quy định bắt buộc là phải mang theo giấy tờ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lỗi vi phạm phổ biến được lực lượng chức năng xử lý trong mấy ngày qua, ngoài các "ma men" lái xe, chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm, lấn làn... còn có cả trường hợp không mang theo giấy tờ quy định. Không ít trường hợp khi bị xử phạt đã tỏ thái độ bất hợp tác, chống đối người thi hành công vụ. Đây không phải là lỗi do sơ suất, mà là thái độ coi thường pháp luật giao thông của người tham gia giao thông. Bởi vậy, việc ra quân xử lý vi phạm là việc làm rất cần thiết để lập lại trật tự an toàn giao thông và cũng là thời điểm mà những ai đó từng thờ ơ, hoặc thiếu trách nhiệm khi tham gia giao thông hãy nhanh chóng thay đổi hành vi, thái độ của mình.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến người thiếu ý thức nhờn luật là do lực lượng chức năng xử lý thiếu nghiêm khắc. Không những thế, đâu đó vẫn còn tình trạng bảo kê cho xe quá tải, hoặc chung chi, tìm cách hợp thức hóa cho người vi phạm...
Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã có những quy định nghiêm khắc, không chỉ tăng mức xử phạt với những trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, mà với cả lực lượng thi hành công vụ. Điều đó đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy lùi tai nạn giao thông, nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của người tham gia giao thông.
Phải khẳng định, đã những chuyển biến tích cực khi lực lượng cảnh sát giao thông cả nước ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm luật giao thông đường bộ theo Nghị định 100/NĐ-CP. Người dân đồng tình ủng hộ và mong muốn cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm làm thay đổi thói quen tùy tiện của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Khác với những đợt ra quân trước, lần này, cơ quan chức năng chuẩn bị rất kỹ về trang bị, phương tiện và nhân sự. Các tổ công tác đều được trang bị camera, thậm chí ở nhiều tuyến đường, địa bàn còn được bố trí người làm nhiệm vụ ghi âm, ghi hình. Dư luận đánh giá, đây là việc làm cần thiết, bởi đâu đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận người thực thi nhiệm vụ, cũng là cách nhằm ngăn chặn người vi phạm tìm cách “lách luật", thỏa thuận “chung chi” với người thực thi nhiệm vụ.
Bởi vậy, việc xử phạt công khai, minh bạch, không chỉ giúp người vi phạm tâm phục khẩu phục, mà còn thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn thế, người điều khiển phương tiện dần thay đổi hành vi, ý thức trong chấp hành luật lệ giao thông và biến nó thành thói quen tự giác và lan tỏa thói quen đó đến nhiều người.
Vẫn biết, để thay đổi hành vi của một con người không thể một sớm một chiều. Có thể việc làm này phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và cách ứng xử của người tham gia giao thông. Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người cần tự giác rèn luyện, tự mình sửa đổi, nêu cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông và chỉ có như vậy mới hy vọng tạo sự chuyển biến tích cực trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.