Singapore, một trong những quốc gia được ca ngợi là thành công trong phòng chống dịch, cũng không thể ngờ là làn sóng dịch thứ hai lại ập tới bất ngờ và mạnh như vậy. Số ca lây nhiễm đã nhảy từ 226 hồi giữa tháng 3 lên đến trên 28.000 giữa tháng 5, tăng gấp hơn trăm lần chỉ trong hai tháng, mà người mắc chủ yếu là lao động nhập cư. Làn sóng thứ hai đã khiến Singapore sốc và choáng váng, nhận rõ mối nguy khi bỏ qua những nhóm người bên ngoài lề trong khủng hoảng y tế.
Hàn Quốc, lại là một nước được tán dương vì xử lý dịch hiệu quả mà không cần phong tỏa, cũng đau đầu khi làn sóng dịch thứ hai ập đến không lâu sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Cả trăm ca mắc mới từ các câu lạc bộ đêm ở thủ đô đã khiến giới chức vội đóng cửa quán bar, câu lạc bộ đêm vô thời hạn.
Từng là tâm dịch của thế giới, Trung Quốc đã khẩn trương áp đặt biện pháp hạn chế đi lại tương tự lệnh phong tỏa từng thực hiện ở Vũ Hán đối với một số thành phố miền Bắc. Trường học vừa mở cửa đã lại đóng ở ba thành phố có tổng cộng 13 triệu dân. Biện pháp này nhằm để đối phó với làn sóng thứ hai tới nay đã khiến 18 người nhiễm bệnh từ 7/5. Trước đó, Vũ Hán đã lên kế hoạch xét nghiệm toàn bộ dân vì thành phố xuất hiện 6 ca bệnh mới. Diễn biến ở Trung Quốc xảy ra chưa đầy 6 tuần sau khi nước này tuyên bố chống dịch thành công.
Khi các nước, trong đó có Việt Nam, nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại nền kinh tế, nối lại cuộc sống bình thường, những ví dụ nói trên là lời nhắc nhở thấm thía, là bài học thực tế để tham khảo và rút kinh nghiệm. Chúng ta cần hiểu rằng chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội không có nghĩa là người dân được buông lỏng hay bỏ qua hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch. Mở cửa lại nền kinh tế, nối lại cuộc sống bình thường không có nghĩa là ta được phép chủ quan và coi như dịch bệnh chưa từng xảy ra. Trở lại cuộc sống bình thường ở đây có nghĩa là cuộc sống “bình thường mới”, mà trong đó, mỗi người dân vẫn cần phải làm quen với những thứ trước đây họ chưa từng quen hoặc coi trọng, ví dụ như thường xuyên đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay, đo thân nhiệt, hạn chế tụ tập đông người…
Mỗi người dân vẫn sẽ là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch bệnh để có thể tạo thành sức mạnh tập thể, giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Nếu nước nào mà người dân có tâm lý chủ quan, xả hơi bù sau thời gian bị cách ly thì sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá.
Những ví dụ của các nước nói trên cũng cho thấy: Chỉ vì dịch bệnh trong nước dường như đã nằm trong tầm kiểm soát không có nghĩa là sẽ không có làn sóng lây nhiễm mới bùng phát từ một ca bệnh ở nước ngoài vào. Mối nguy hiểm chỉ qua đi khi mà một quốc gia có thể chắc chắn sẽ không có thêm ca nhiễm từ bên ngoài vào, hoặc có thể truy vết và kiểm soát hiệu quả các ca “ngoại nhập”.
Tất nhiên, không nước nào có thể bế quan tỏa cảng, đóng cửa mãi khi mà dịch bệnh đã có dấu hiệt bớt nghiêm trọng. Chỉ có điều, khi mở cửa trở lại, thứ mà các chính phủ và người dân phải luôn ghi nhớ là làn sóng dịch thứ hai, thậm chí thứ ba có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. Do đó, cần phải có kế hoạch đối phó sẵn sàng với tình huống này trước khi quyết định nới lỏng giãn cách, bỏ phong tỏa. Có kế hoạch thì các nước sẽ chủ động, bình tĩnh, không lúng túng khi đối mặt với làn sóng thứ hai. Có kế hoạch thì các nước sẽ không phải loay hoay với quyết định mở rồi lại đóng.
Có thể nói, kế hoạch đối phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo là điều rất quan trọng vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo dịch COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất, vì nó ẩn náu trong một số người mà không gây ra triệu chứng gì. WHO cũng cảnh báo các nước phải cực kỳ thận trọng, phải cảnh giác cao độ, phải “căng mắt” quan sát khi nới lỏng các hạn chế.
Dỡ bỏ phong tỏa và các biện pháp hạn chế là một quá trình phức tạp và khó khăn. Nó đòi hỏi các chính phủ phải thực hiện từ từ, từng phần để bảo vệ mạng sống và kế sinh nhai của người dân.
Soi chiếu vào Việt Nam, có thể thấy nước ta đã khống chế dịch thành công và tự tin nới lỏng giãn cách xã hội, trở lại cuộc sống bình thường. Học sinh đã được tới trường sau kỳ nghỉ Tết dài lịch sử. Đường phố, nhà hàng tấp nập như xưa. Hơn một tháng qua, Việt Nam đã không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, các ca ngoại nhập đều được xét nghiệm, cách ly và quản lý tốt, tránh tối đa khả năng lây ra ngoài.
Ngay từ đầu, Việt Nam vẫn luôn kiên trì với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, triệt để, không để đốm lửa nhỏ lan thành đám cháy to. Mặc dù gần đây, các ca mắc trong số người nhập cảnh tăng nhưng Việt Nam vẫn đủ năng lực trong cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Nhận định về khả năng làn sóng dịch thứ hai ở Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Nếu không chủ quan, vẫn làm tốt thì chúng ta không bị làn sóng thứ hai dù vẫn có thể có ổ dịch nhỏ”.
Như vậy, tinh thần cảnh giác cao độ của cả chính phủ và người dân sẽ là vũ khí chiến lược để Việt Nam ngăn chặn làn sóng thứ hai ập đến.