Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, các biện pháp giãn cách xã hội đã dần được nới lỏng. Nhiều hàng quán đã mở cửa trở lại, đường phố bắt đầu tấp nập hơn. Nhưng như nhiều ý kiến trong nước cũng như trên thế giới đã phân tích, dịch COVID-19 khiến chúng ta phải thay đổi và cũng là cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi. Bởi vậy, đến khi dịch bệnh bị đẩy lùi hoàn toàn, không phải các hoạt động kinh tế xã hội sẽ trở về như cũ mà chắc hẳn sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Trong những ngày cao điểm chống dịch, thực hiện cách ly xã hội làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống nhiều người nhưng bên cạnh ý nghĩa phòng chống dịch, giải pháp này cũng có nhiều mặt tích cực khác. Về giá trị tinh thần, chúng ta có một khoảng thời gian sống chậm để nghỉ ngơi, suy ngẫm, quan tâm đến gia đình. Các thống kê cũng chỉ ra rằng những ngày này chất lượng không khí ở các thành phố lớn tốt hẳn lên. Nếu như các nhà kinh tế ước tính ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mỗi năm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng thì chắc hẳn trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chúng ta cũng tiết kiệm được không ít nhờ đường thông hè thoáng.
Trên thực tế, trước khi có dịch COVID-19, để hạn chế ùn tắc giao thông, cũng đã có những giải pháp mang ý nghĩa “giãn cách” được áp dụng như bố trí lệch giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị; sắp xếp lệch giờ học của các trường… nhằm mục đích phân tán sự tập trung lượng phương tiện vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối buổi chiều. Ùn tắc vẫn xảy ra vì những lý do khác, nhưng chắc chắn nếu không áp dụng lệch giờ thì mức độ ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Để tạo điều kiện cho người dân đến làm các thủ tục hành chính, nhiều công sở đã mở cửa phục vụ cả trong ngày thứ 7. Và như vậy là nhiều người không phải nghỉ cả một buổi làm việc trong tuần để đi làm các thủ tục vào giờ hành chính. Tại các cửa khẩu quốc tế có nhiều hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng hai bên đã thống nhất kéo dài thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu để góp phần thúc đẩy kinh tế. Như ở Lào Cai, người dân có thể làm thủ tục qua bên kia biên giới từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Kéo dài giờ “hành chính” thực chất cũng là một biện pháp giãn cách để đem lại lợi ích nhiều hơn.
Một trong những câu chuyện khơi gợi cảm hứng, giáo dục phẩm chất cho nhiều bạn trẻ của tác giả nổi tiếng Tony Buổi Sáng là về thành phố Thâm Quyến ở Trung Quốc. Trong đó, tác giả đã nhận xét điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24 giờ. Ngoài ca từ 8 giờ - 18 giờ ban ngày để buôn bán với các nước Đông bán cầu, có ca đêm từ 20 giờ tối đến 6 giờ sáng để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, các nước Mỹ Latinh… Không cần phải sang tận nơi để chứng thực lời tác giả, một dẫn chứng mới đây là ngày 20/4/2020, lần đầu tiên trong lịch sử trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas) đã sụt giảm 301% và rơi xuống mức giá -37,63 USD/thùng (âm 37,63 USD/thùng). Khi đó, ở Việt Nam là rạng sáng 21/4, nếu có một doanh nghiệp nào liên quan trực tiếp đến sự kiện này thì hẳn thiệt hại hay cơ hội mất đi đều khó cứu vãn hơn khi 8 tiếng đồng hồ sau mới đến giờ làm việc.
Trước đây, cũng đã có những ý kiến nêu lên sự cần thiết của nền “kinh tế ban đêm” với mong muốn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh 24/24 giờ, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng sức cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế… “Phong trào” tổ chức chợ đêm, phố đi bộ buổi tối ở các thành phố du lịch gần đây cũng có thể coi là những bước đi đầu tiên. Trong dịch COVID-19, để đảm bảo giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức chia 3 ca như một giải pháp tình thế nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp khác đã tổ chức làm ca đêm từ lâu bởi lợi ích đem lại nhiều hơn. Để thúc đẩy “kinh tế đêm” phát triển thì cần những điều kiện cần và đủ nhiều hơn, nhưng xu thế thì đã rõ ràng hơn và nhất là thêm sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Khi đó, việc Hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo vào lúc 0 giờ ngày 11/4/2020 ắt hẳn sẽ không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Trong Chỉ thị 19, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, làm việc, học tập trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số. Đừng quên đó không chỉ là những việc cần làm để chống dịch COVID-19 mà còn mang ý nghĩa lâu dài, giúp chúng ta biến nguy thành cơ.