Chống rét cho 'bạn nhà nông', việc không thể xem thường

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, nền nhiệt độ trung bình tháng 1/2021 thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại trên diện rộng, gây ảnh hưởng xấu đến đàn vật nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa hình các tỉnh miền núi phía Bắc rất thuận lợi cho chăn thả, nuôi nhốt, nhưng cũng là vùng chịu tác động sớm và mạnh của rét đậm, rét hại so với cả nước.

Tín hiệu tích cực là trong khi đợt rét đậm đang diễn ra, một số địa phương đã sớm thành lập đoàn kiểm tra về công tác phòng chống rét cho trâu, bò, qua đó chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan của cán bộ cơ sở, của người dân về công tác chống rét cho đàn gia súc. Tỉnh Yên Bái đã chủ động tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc; thông báo kịp thời diễn biến tình hình thời tiết đến từng hộ dân. Các tỉnh Lào Cai, Điện Biên khuyến cáo các hộ dân, nếu thời tiết rét đậm, nhiệt độ dưới 12 độ C tuyệt đối không thả rông gia súc; bổ sung thức ăn tinh, sưởi ấm cho gia súc, nhất là bê, nghé và trâu, bò già yếu; không thả rông trâu, bò, không bắt trâu, bò cày kéo; cần đốt lửa, sưởi ấm cho trâu, bò, sử dụng chăn, áo, bao tải gai chống rét cho gia súc. Tại Sơn La, nhờ rút kinh nghiệm từ những đợt rét các năm trước, năm nay các hộ chăn nuôi, nhất là những hộ vùng cao đã chủ động chống rét cho đàn gia súc bằng cách cho dùng muối hòa với cám ngô, cám gạo nhằm tăng sức chịu rét cho gia súc...

Từ thực trạng trâu, bò chết vì rét mỗi năm cho thấy, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc ở một số địa phương chưa tới nơi tới chốn và kém hiệu quả. Mặc dù ý thức tự bảo vệ của người dân đã được nâng lên, nhưng ở một số tỉnh miền núi phía bắc, một bộ phận đồng bào do điều kiện kinh tế khó khan, nên chưa quân tâm tới phòng, chống rét cho gia súc. Ở nhiều thôn, bản, việc quây chuồng trại, chuẩn bị thức ăn còn sơ sài, không có nguồn thức ăn dự trữ, trong khi dự báo mùa đông năm nay, tần suất cũng như thời gian của các đợt rét đậm, rét hại sẽ dài và dày hơn mùa đông năm trước. Trong khi đó, lãnh đạo ở một số địa phương lại thiếu trách nhiệm, khi xảy ra tình trạng trâu, bò chết đã đổ lỗi do các hộ gia đình chủ quan, không quan tâm đến việc bảo vệ đàn gia súc, làm chuồng trại kín gió và không chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ trong những ngày thời tiết giá lạnh.

Việc đổ lỗi như vậy có vẻ chưa thật sự khách quan. Chỉ có người dân, những chủ nhân của những con trâu, bò xấu số mới hiểu được nỗi đau, sự mất mát khi phải chứng kiến “bạn nhà nông” của mình chết rét mà đành bất lực. Trâu, bò chết rét do chuồng trại trống trải, thiếu thức ăn dự trữ... thì đâu phải hoàn toàn do lỗi của người chăn nuôi. Chuyện trâu, bò chết do rét gần như năm nào cũng xảy ra, thiệt hại không nhiều thì ít. Cứ khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài là ở các tỉnh miền núi lại phải đối mặt với nguy cơ trâu, bò bị chết rét. Nhưng việc phòng chống rét cho trâu, bò hầu như chỉ phó mặc cho hộ chăn nuôi. Thực tế cho thấy, địa phương nào có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó thiệt hại về đàn gia súc giảm đáng kể.

Ai cũng hiểu rằng, phần lớn các hộ chăn nuôi ở địa bàn miền núi hoàn cảnh kinh tế đều khó khăn. Cái khó bó cái khôn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, đâu dám nghĩ chuyện gây dựng chuồng trại cho đủ ấm, rồi cả việc dự trữ thức ăn cho gia súc. Sẽ càng khó khăn thêm nếu con trâu (bò) “là đầu cơ nghiệp” của họ không trụ nổi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Còn với sản xuất nông nghiệp, trâu, bò chết có nghĩa sức kéo giảm, năng suất lao động giảm và thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ về vật chất (thức ăn, thuốc phòng bệnh gia súc, vật liệu làm chuồng trại) của chính quyền địa phương; rất cần sự sâu sát của ngành nông nghiệp trong việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng chống rét cho trâu, bò.

Với thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay, thì nguy cơ gia súc chết rét là rất lớn. Nếu chủ quan và không có các biện pháp quyết liệt chống rét cho đàn gia súc, e rằng hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi thế, thay vì đổ lỗi cho các hộ chăn nuôi, các cơ quan có trách nhiệm, các ngành, các cấp chính quyền, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực về vật chất, cũng cần coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi cách chống rét hiệu quả cho đàn gia súc.

Yến Nhi (TTXVN)
Phòng chống rét cho trâu bò đúng cách
Phòng chống rét cho trâu bò đúng cách

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài có tác động không nhỏ đến đàn gia súc. Để chủ động phòng, chống rét cho trâu bò và giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra, bà con nông dân có thể áp dụng một số biện pháp như: Gia cố chuồng trại, tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN