Vụ 20 trường THPT Hà Nội tuyển vượt chỉ tiêu: Chấp nhận vi phạm, không để tái diễn

Gần 400 học sinh trong diện “tuyển thừa” của 20 trường THPT ở Hà Nội đã “thở phào” khi Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội vừa có quyết định đồng ý cho những em này được trở lại trường học tập. Tuy nhiên, nếu như quyết định này được “tính” sớm hơn thì đã tránh những bức xúc không đáng có trong dư luận.


Trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm sau


Đầu tháng 8, Sở GD - ĐT Hà Nội đã ký một quyết định khiến hàng trăm gia đình phụ huynh có học sinh đỗ vào lớp 10 của 20 trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính lo lắng. Sở đã yêu cầu các trường này trả hồ sơ cho những học sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển được Sở phê duyệt để nộp hồ sơ vào những trường còn thiếu chỉ tiêu (68 trường). Nhận được thông tin này, ở thời điểm nhiều học sinh đã đến trường học tập được 2 - 3 tuần, hàng trăm phụ huynh đã rất lo lắng bức xúc và viết đơn thư tới Sở GD - ĐT Hà Nội.

 

Gần 400 học sinh đã vui trở lại khi có quyết định của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc không phải rút đơn nhập học.


Một số cuộc họp nóng giữa phụ huynh và nhà trường diễn ra ở các trường THPT Phan Huy Chú, THPT Lý Thái Tổ, THPT Bắc Hà… Tại đây, mặc dù Hiệu trưởng các nhà trường đã ra sức xin lỗi, nhưng phụ huynh vẫn kiên quyết không chấp nhận việc con em phải rút hồ sơ khỏi trường. Anh V.A có con gái đỗ vào trường THPT Phan Huy Chú với 50,5 điểm bày tỏ: “Khi con gái được tuyển vào trường, chúng tôi không hề biết cháu nằm trong diện tuyển vượt chỉ tiêu. Gia đình cho cháu nhập học trong trong tâm thế hân hoan. Nhưng khi nhận được quyết định con mình nằm trong diện vượt chỉ tiêu, gia đình tôi hết sức bàng hoàng. Con gái tôi cũng rất buồn, ít nói hẳn khi biết sẽ phải chuyển sang một trường khác”.


Từ quyết định dứt khoát yêu cầu các trường THPT phải thực hiện trả hồ sơ cho những trường hợp vượt chỉ tiêu trên trước ngày 10/8, thì chỉ một ngày sau đó, Sở GD - ĐT Hà Nội đã có cuộc họp kín với 20 trường THPT này. Tại đây, nhiều hiệu trưởng đã thừa nhận việc không thực hiện đúng kế hoạch của thành phố về quy hoạch phát triển giáo dục. Nhưng để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, các trường đã đề nghị Sở cho học sinh trong diện "tuyển thừa" được ở lại trường và chịu các hình thức kỷ luật của Sở GD - ĐT Hà Nội.


Trao đổi với báo chí sau cuộc họp này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, dựa vào nhu cầu thực tế và bảo đảm quyền lợi cho học sinh nên Sở GD - ĐT đồng ý cho các em chưa rút hồ sơ được ở lại trường tuyển quá chỉ tiêu học tập. Sở cũng cho phép năm sau, các trường được tuyển vượt chỉ tiêu nhưng không quá 20%. Nếu vi phạm sẽ xử phạt nghiêm và áp dụng hình phạt không công nhận hiệu trưởng; những trường nào năm nay đã vượt chỉ tiêu thì sẽ trừ 20% chênh lệch vào năm sau.


Quản lý còn lỏng lẻo


Anh Vũ Đạt (quận Cầu Giấy) có con đang học ở trường THPT Lương Thế Vinh bày tỏ: “Trường duyệt hồ sơ thì chúng tôi mới nộp đơn cho con em mình. Nhưng các trường tuyển vượt chỉ tiêu mà Sở GD - ĐT Hà Nội lại không biết thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý. Trong những ngày qua, không khí gia đình tôi hết sức nặng nề và đã tính đến phương án rút đơn cho con. Nhưng bên ngoài tôi vẫn động viên con kiên trì và không nên quá buồn để ảnh hưởng đến tâm lý. Để tránh tình trạng này, các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ trước khi ký quyết định, bởi mỗi quyết định của họ đều ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh và tâm lý của rất nhiều gia đình”.


Học sinh Nguyễn Phương Linh, THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Tuần qua giáo viên chủ nhiệm cũng ra sức thuyết phục học sinh, phụ huynh để rút hồ sơ chuyển trường khác nhưng chúng em chẳng ai rút cả. Khi biết sẽ được ở lại trường, gần 30 học sinh chúng em thực sự rất vui mừng”.


Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc Sở GD - ĐT Hà Nội đưa ra quyết định để các học sinh được ở lại trường học vượt quá chỉ tiêu là phù hợp. Tuy nhiên, từ sự việc này cho thấy, nếu cơ quan chức năng xem xét cẩn trọng hơn thì chắc chắn sẽ tránh được những hoang mang không đáng có đối với gần 400 học sinh và gia đình các em. Bên cạnh đó, Sở GD - ĐT Hà Nội cũng cần có những biện pháp mạnh trong việc xử lý những trường cố tình tuyển sinh vượt chỉ tiêu.


Một hiệu trưởng khối ngoài công lập Hà Nội (giấu tên) khẳng định: Trong những năm qua, việc tuyển vượt chỉ tiêu vẫn diễn ra, việc xử lý chỉ giới hạn trong phê bình nội bộ. “Phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc, có tính chất răn đe để tránh lặp lại tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Nếu như Sở GD - ĐT làm nghiêm việc không công nhận hiệu trưởng, trừ chỉ tiêu tuyển sinh từ năm trước vào năm sau thì chắc chắn sẽ không phải chịu sức ép về việc xử lý các vi phạm trong tuyển sinh nữa”, vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Lê Vân

Phương án thi THPT quốc gia cần đạt chuẩn
Phương án thi THPT quốc gia cần đạt chuẩn

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, nhằm chọn phương án tối ưu nhất cho việc tổ chức thi vào năm 2015, thu hút được sự quan tâm, bình luận của nhiều nhà quản lý giáo dục và các chuyên gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN