Phương án thi THPT quốc gia cần đạt chuẩn

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, nhằm chọn phương án tối ưu nhất cho việc tổ chức thi vào năm 2015. Nhiều nhà quản lý giáo dục và các chuyên gia đã phân tích, bình luận, chỉ ra ưu điểm và hạn chế của từng phương án, từ đó bày tỏ quan điểm về cách thức tổ chức thi, hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Các thí sinh sau khi hoàn thành môn thi Ngoại ngữ tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức (Hà Nội) 2014. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


* Đề thi tổng hợp, chưa phải là tích hợp


Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, trong ba phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, dù chọn phương án nào cũng đều hướng tới mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và giảm tải áp lực thi cử cho học sinh. Vì vậy, việc thi theo môn hay thi theo đề tổng hợp đều phải được tính toán kỹ.

Với đề thi tổng hợp, trước mắt, nếu được áp dụng trong kỳ thi năm tới sẽ chỉ đơn thuần là “tổng hợp” các môn trong một đề thi, chứ chưa phải là “tích hợp”. Nghĩa là, nếu những năm trước, một môn thi thí sinh phải làm trong 3 giờ, thì nay trong thời gian 3 giờ, học sinh sẽ làm bài của 3 môn, lượng kiến thức của mỗi môn chỉ tương ứng với 1 giờ làm bài.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: Đối với việc tích hợp kiến thức liên môn để ra đề thi, tạm thời sẽ chưa thể áp dụng vì giảng dạy và học tập tại trường phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này. Việc ra đề theo dạng “tích hợp” sẽ được triển khai theo lộ trình, chỉ áp dụng khi thực hiện đổi mới toàn diện từ chương trình sách giáo khoa đến phương pháp dạy và học liên môn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ đang tập hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý cũng như các cơ sở giáo dục để chốt phương án cuối cùng và sẽ công bố chính thức vào tháng 9 tới. Với cả 3 phương án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều chuẩn bị sẵn các phương án kỹ thuật từ quy chế, phần mềm đến cách thức ra đề… để khi phương án nào được đồng thuận cao nhất sẽ triển khai ngay theo phương án đó.

* Cần đảm bảo chất lượng của kỳ thi quốc gia

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục còn băn khoăn về việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, không chỉ ở việc chọn thi môn gì và hình thức thi như thế nào mà điều cốt lõi là cần đảm bảo chất lượng của kỳ thi nhằm đáp ứng hai mục đích: Công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Cần tổ chức một kỳ thi quốc gia thật tốt để các trường đại học, cao đẳng có thể tin tưởng sử dụng kết quả làm căn cứ để tuyển sinh. Trong đó, từ khâu ra đề, tổ chức coi thi, chấm thi đều phải hết sức chặt chẽ. Việc ra đề thi phải bảo đảm đánh giá được kiến thức cơ bản của học sinh ở bậc phổ thông, đồng thời đánh giá được năng lực và trình độ của học sinh để tương ứng với bậc cao hơn.

Việc coi thi, chấm thi phải có sự luân chuyển, ví dụ như trong một hội đồng coi thi cần có cả giáo viên địa phương và giảng viên của các trường đại học, cao đẳng để đảm bảo tính trung thực, khách quan. Nếu kỳ thi quốc gia không đạt được các yêu cầu trên thì các trường đại học, cao đẳng khó có thể sử dụng dữ liệu từ kỳ thi này để xét tuyển đầu vào.

Về ba phương án thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ba phương án thể hiện ba nấc phát triển trong quá trình tổ chức một kỳ thi tích hợp. Nếu áp dụng ngay trong năm 2015 thì nên sử dụng phương án 1 (thi theo môn). Vì phương án này tương đối giống so với hình thức thi của năm 2014, chỉ khác một điểm là thí sinh phải thi môn Ngoại ngữ bắt buộc. Việc áp dụng phương án 1 sẽ không gây áp lực tâm lý cho học sinh.

Năm 2016 có thể triển khai phương án 2, phương án này về cơ bản giống phương án 1, chỉ khác là không thi riêng từng môn mà thi thành bài tổng hợp, thí sinh lựa chọn một trong hai bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Phương án 3 nên được áp dụng vào năm 2017, khi việc dạy và học cũng như công tác chuẩn bị cho việc áp dụng hình thức này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đối với việc lựa chọn phương án thi, khác với ý kiến của nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đều đánh giá cao phương án 2 (thi theo bài tổng hợp) và cho rằng có thể áp dụng ngay từ năm 2015, mà không gây xáo trộn cho học sinh và giáo viên.

Đồng thời, để tránh học tủ, học lệch, cả hai ông đều đề xuất, nên tổ chức cho học sinh thi cả 5 bài bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, thay vì 4 bài như phương án 2 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội).

Lý giải rõ hơn về quan điểm này, ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: Dù học tại bất cứ trường đại học nào hay chuyên ngành nào, học sinh cũng đều cần các kiến thức nền tảng của các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, nên việc áp dụng thi cả hai bài thi này với học sinh phổ thông là phù hợp.

Về đề thi, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, nên ra đề theo hướng tổng hợp. Ví dụ như, trong đề thi Khoa học Tự nhiên, sẽ bao gồm 3 câu Vật lý, 3 câu Sinh học và 3 câu Hóa học. Cách ra đề kiểu này có thể áp dụng được ngay, không khiến học sinh cảm thấy lạ lẫm, mà không cần chờ đến khi thay đổi chương trình sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy và học.


Việt Hà
Lựa chọn phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia
Lựa chọn phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng), lấy ý kiến đóng góp nhằm chọn ra phương án tối ưu nhất để áp dụng từ năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN