Đưa trí tuệ nhân tạo vào trường phổ thông
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo AI là lĩnh vực được tập trung phát triển trở thành một mũi nhọn ngành công nghệ trong tương lai.
Nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng chung, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị đầu tiên của thành phố đưa nội dung về trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy cho học sinh phổ thông. Năm học 2019 - 2020, nhà trường bắt đầu triển khai dạy học đại trà phổ cập về trí tuệ nhân tạo cho học sinh cả ba khối 10,11,12. Đồng thời, trường đang thực hiện lộ trình giảng dạy chuyên sâu các chuyên đề về trí tuệ nhân tạo ở các học kỳ sau, nhằm đào tạo học sinh phát triển toàn diện từ trí lực, công nghệ đến năng khiếu, kĩ năng. Trước đó, Trường triển khai thí điểm dạy về trí tuệ nhân tạo từ năm học 2018-2019 dành cho những học sinh có nhu cầu.
Nội dung chương trình học đại trà gồm các kiến thức về nền tảng về toán cho AI, kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế, kỹ năng lập trình bậc cao, kỹ năng sáng tạo trong việc sử dụng AI như công cụ bổ trợ trí tuệ cho người dùng, giúp giải phóng sức lao động và sức sáng tạo trong các ngành nghề khác nhau. Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình này là các chuyên gia đến từ các tổ chức về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian tới, trường sẽ mời những tình nguyện viên đạt chuẩn như các nghiên cứu sinh, cộng tác viên và cựu học sinh trường.
Sau việc triển khai đại trà, theo kế hoạch, thời gian tới, trường sẽ triển khai học chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Trong đó, trước mắt khóa chuyên sâu đầu tiên sẽ tập trung cung cấp cho học sinh các kiến thức về toán cao cấp dùng trong nghiên cứu AI; lý thuyết và thực hành, dành cho học sinh định hướng chuyên về lập trình AI; giới thiệu các ứng dụng mới của AI trong các lĩnh vực. Các khóa tiếp theo sẽ học về xử lý ngôn ngữ, thị giác máy, máy điều khiển, tích hợp hệ thống cho robot thông minh, xử lý kết hợp cả âm thanh và hình ảnh trong các hệ thống tích hợp để trợ giúp con người, ví dụ xe tự hành, nhà thông minh, trợ lý ảo…
“Sau khi học sinh hoàn tất các chuyên đề chuyên sâu về AI ở cấp Trung học Phổ thông, học sinh có trình độ AI như một kĩ sư AI, có thể tiếp tục học ở bậc đại học đúng chuyên ngành mà rút ngắn được thời gian. Cùng với việc trang bị kiến thức về trí tuệ nhân tạo, việc tiếp cận sớm sẽ giúp học snh khám phá đam mê và có một cái nhìn rõ nét về định hướng nghề nghiệp” - cô Trương Thị Lệ Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ.
Em Yến Như, học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong cho biết, nội dung học này giúp em hiểu hơn AI. Không chỉ vậy, riêng với những bạn đam mê công nghệ sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này và có cái nhìn thực tế nhất về nghề nghiệp bản thân định hướng theo đuổi.
Bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, việc triển khai nội dung này trong thực tiễn gặp không ít khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo để giảng dạy chính. Mặt khác, cơ sở vật chất của nhà trường chưa thực sự đáp ứng tối đa cho giảng dạy trí tuệ nhân tạo.
Nhà trường kiến nghị được cấp nguồn kinh phí cho hoạt động dạy trí tuệ nhân tạo như là kinh phí cho hoạt động dạy chuyên dành cho học sinh chuyên; được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất cho một trường học thông minh. Đồng thời, thành phố tăng cường đào tạo giáo viên chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo để triển khai rộng rãi ở các trường trung học phổ thông trong thời gian tới.
“Đặc biệt, cần có cơ chế liên thông với các trường đại học đúng chuyên ngành, lĩnh vực để giải quyết đầu ra của đối tượng học sinh hoàn tất chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo bậc Trung học Phổ thông, để học sinh có thể được tiếp tục học tập ở bậc đại học và rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình ở bậc đại học” - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong Trương Thị Lệ Hà kiến nghị.
Môi trường học thông minh
Cùng với các trường triển khai đề án thí điểm xây dựng trường học thông minh theo đề án chung của thành phố, các trường đang thực hiện mô hình trường học tiên tiến, hiện đại cũng đang từng bước để xây dựng môi trường học thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động giáo dục.
Thầy Nguyễn Long Giao Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lý Thánh Tông (Quận 8) chia sẻ, sau 3 năm thực hiện mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, nhà trường đã từng bước xây dựng được môi trường học thông minh. Cụ thể, ở từng lớp học có hệ thống internet băng thông rộng, tốc độ đường truyền đảm bảo tốt, được phủ sóng wifi toàn trường và có đường truyền internet dự phòng; hệ thống phần mềm quản lý học tập phục vụ cho hoạt động tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với bài giảng; trường có nguồn tài nguyên bài giảng, bài giảng điện tử, bài giảng e-learning phục vụ giảng dạy cho giáo viên.
Đặc biệt, nhà trường sử dụng thẻ thông minh học đường cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường, thẻ hỗ trợ nhiều tính năng như điểm danh, mua hàng, ứng dụng tương tác học đường... Điều này giúp cho cả công tác quản lý của nhà trường cũng như cho học sinh khi sử dụng các dịch vụ tại trường.
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, cũng như công tác giảng dạy tại trường. Cô Đỗ Thị Mỹ Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông minh, trường học thông minh cần xây dựng chương trình giảng dạy thể hiện tính tổ hợp cao, linh hoạt và có tính mở để tạo ra môi trường tương tác thông minh cho người học.
Chương trình phải được xây dựng theo hướng làm tăng hứng thú học tập, tăng khả năng học tập cho người học, tăng tính hiệu quả của chương trình để tạo ra môi trường học tích cực, giúp người học được tham gia các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp nhu cầu và năng lực cá nhân. Một trong những yếu tố quyết định thành công của trường học thông minh là yếu tố con người, vì thế cần xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học trong lớp học thông minh.
Dù chưa chính thức triển khai đề án xây dựng trường học thông minh, nhưng bước đầu, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng một phần mô hình này để xây dựng môi trường học tập thông minh, hiện đại, khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đổi mới về phương pháp dạy và học, xây dựng hạ tầng công nghệ đáp ứng kịp thời yêu cầu của trường học thông minh. Thầy Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, mô hình trường học thông minh, nếu được triển khai thành công sẽ phát huy tối đa tiềm năng của các học sinh, giúp các em phát triển một cách toàn diện, hài hòa.
Mô hình trường học thông minh giúp chia sẻ tài nguyên học tập, giúp các hoạt động học tập có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ gói gọn trong những giờ học trên lớp. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng trường học thông minh cũng gặp không ít khó khăn. Thách thức lớn nhất vẫn là sức ỳ của cách học cũ, cách dạy cũ, cách đánh giá cũ. Vì thế, việc xây dựng hệ thống giáo dục thông minh, mô hình trường học thông minh không thể thực hiện được tại một trường mà phải là cả hệ thống tổng thể.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thời gian qua còn thiếu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa hiệu quả; còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối vào hệ thống chung của thành phố thông minh.
Đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống máy chủ phục vụ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học và quản lý; xây dựng đường truyền internet tốc độ cao cho các nhà trường, hình thành hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, triển khai Kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục, kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành. Đây là tiền đề quan trọng để ứng dụng công nghệ thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các hoạt động dạy - học, kiểm tra - đánh giá tại các nhà trường.
Bài cuối: Giáo dục đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh