Ngày 16/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 7 năm thực hiện Nghị định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trên địa bàn Tây Nguyên. Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên… Hội nghị đã thống nhất tiếp tục khẳng định Nghị định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là chính sách đặc thù rất thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần đáp ứng yêu cầu về cán bộ, công chức ở cơ sở đạt chuẩn cho nhiệm kỳ 2016- 20121 và những năm tiếp theo, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu dự hội nghị đề nghị, các Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn thống nhất một số vấn đề như: thực hiện tốt chính sách ưu tiên tuyển dụng số học sinh cử tuyển, quy định thống nhất vùng, phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn cử tuyển, việc tiếp nhận sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đảm bảo tỷ lệ hợp lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc thống nhất mở rộng đối tượng, phạm vi cử tuyển, nếu là học sinh các dân tộc rất ít người thì không nhất thiết phải ở vùng đặc biệt khó khăn; duy trì các khoa dự bị tại các trường đại học để đào tạo sinh viên cử tuyển, có chương trình đào tạo thích hợp để giúp cho các em theo kịp chương trình học tập chính quy; hướng dẫn các tỉnh Tây Nguyên sát hạch chặt chẽ chất lượng đầu vào để không ảnh hưởng đến đầu ra, chỉ đạo các cơ sở đào tạo có học sinh cử tuyển, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý, đánh giá chất lượng học sinh…
Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên cần giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm đầu mối tham mưu thực hiện chính sách này trong thời gian tới, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng và công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết xử lý các trường hợp làm trái quy định.
Các tỉnh Tây Nguyên sớm xây dựng quy hoạch chung, kế hoạch cụ thể hàng năm để làm cơ sở tuyển chọn học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, cao đẳng, đại học, trung học bảo đảm phương châm đào tạo phải gắn với nhu cầu địa phương, tốt nghiệp phải gắn với bố trí việc làm phù hợp với từng ngành nghề, từng đối tượng, từng địa phương, quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra, phối hợp với các cơ sở đào tạo làm tốt công tác học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên, khắc phục tình trạng sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm như hiện nay, ưu tiên bố trí trước hết cho người dân tộc thiểu số…
Từ năm 2008 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tuyển chọn được 1.944 học sinh dân tộc thiểu số đi học thuộc chế độ cử tuyển ở 19 trường đại học, cao đẳng, trung học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước, đạt 76,6% chỉ tiêu, với 36 chuyên ngành đào tạo (sư phạm, y khoa, ngành kinh tế, nông, lâm nghiệp…).
Số học sinh cử tuyển thuộc 26 thành phần dân tộc khác nhau như dân tộc Êđê, M’nông, Ba na, Gia rai, Cơ ho, Chu ru, Tày, Mường, Mông… Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 1.194 học sinh cử tuyển đã tốt nghiệp và 744 trường hợp được bố trí công tác; trong đó ở tỉnh Kon Tum có 334 học sinh đã tốt nghiệp và có 218 trường hợp được bố trí công tác; tỉnh Gia Lai có 168 học sinh đã tốt nghiệp và đã bố trí công tác được 125 trường hợp; tỉnh Lâm Đồng có 239 học sinh đã tốt nghiệp và đã bố trí việc làm ổn định cho 207 trường hợp.
Hội nghị đánh giá, chính sách cử tuyển học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là một chủ trương đặc thù, rất thiết thực, phù hợp với yêu cầu của vùng Tây Nguyên, là giải pháp quan trọng, hiệu quả góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các tỉnh miền núi. Đây cũng là cơ hội tốt để đào tạo nguồn cán bộ, trí thức có trình độ chuyên môn cao cho địa phương,… đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xét cử tuyển ở các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, có một số nơi không đúng đối tượng. Thậm chí, có trường hợp đối tượng cử tuyển là con em cán bộ công chức ở thành phố, thị xã nhưng hợp thức hóa hộ khẩu về vùng III; thông tin chính sách cử tuyển đến nhân dân chưa kịp thời, chưa rộng rãi, nhiều người chưa biết; vẫn còn trên 37,7% số sinh viên ra trường chưa được bố trí việc làm.
Tin, ảnh: Quang Huy