Trẻ mầm non phải học trong dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp.
|
Năm học 2018-2019, Trường mầm non Quỳnh Lộc có 21 lớp với 33 giáo viên chỉ đáp ứng đủ số lượng 690 trẻ. Trong khi đó, xã có gần 1.500 trẻ từ 18 tháng tuổi đến 5 tuổi . Tính ra, nhà trường phải cần đến ít nhất 22 lớp nữa mới đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phòng học cho trẻ. Năm 2017, số trẻ sơ sinh của xã tăng 230 cháu. Áp lực về cơ sở vật chất cho bậc học mầm non là rất lớn khi số lượng trẻ đến độ tuổi đi học tăng nhanh.
Trường mầm non Quỳnh Lộc có hai cụm trường, nhưng cụm trường học sử dụng Nhà văn hóa thôn và dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp. Mỗi phòng học ở cụm này chỉ rộng hơn 20 m2 nhưng chứa đến 38 trẻ. Nhiều thiết bị dạy học, đồ chơi của trẻ phải bỏ trong các thùng rồi chồng chất lên nhau trên trên tủ, hết sức nguy hiểm. Phía trên trần nhà cũng hư hỏng nặng, những mảng xi măng có thể rơi bất kỳ lúc nào khi trẻ nhỏ đang ngồi học, chơi đùa, khi ăn trưa và cả lúc ngủ. Mỗi phòng học cũng là phòng ăn, phòng ngủ; nhà bếp cũng được tận dụng trải chiếu để làm phòng nghỉ trưa cho các cháu.
Từ năm 2005 đến nay, xã Quỳnh Lộc chỉ xây thêm được 4 phòng học. Do thiếu cơ sở vật chất, nên trường mầm non chỉ nhận dạy trẻ từ 3-5 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi nếu muốn đi học thì các gia đình sẽ phải gửi nhờ ở các trường mầm non xã khác. Gia đình ông Hồ Sĩ Quế ở thôn 9A có 3 cháu đến độ tuổi đi mẫu giáo đều không được đi học trường trong xã.
Gia đình anh Hoàng Văn Trực ở thôn 7 có con gái Hoàng Thị Thùy Dung (hơn 2 tuổi) cũng phải để ở nhà cho bà nội trông. Lý do là không có phòng học, những cháu 3 tuổi trở lên cũng phải nộp hồ sơ xét tuyển, cháu ông Quế dù trên 3 tuổi nhưng cũng chưa được đi học vì hồ sơ gửi muộn nên đã hết chỉ tiêu...
Cô Trần Thị Tứ, giáo viên trường mầm non Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, do phòng nhỏ nên việc triển khai học tập cho các cháu khó khăn, đặc biệt, cô và trò đều rất lo lắng về sự mất an toàn bởi phải học trong phòng học xuống cấp, những mảng xi măng có thể rụng xuống bất cứ lúc nào. Vào những ngày mưa thì càng khổ sở hơn khi phòng học bị dột, ngập nước. Tập thể cô giáo trường mầm non Quỳnh Lộc đều mong muốn lãnh đạo xã tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng phòng học mới cho trẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Huy Trung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho hay: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do mấy năm trước, nhu cầu của phụ huynh gửi trẻ đến trường mầm non chưa cao. Từ đầu năm 2018 đến nay, phụ huynh gửi trẻ ngày một tăng nhanh nên xã không thể đáp ứng được cơ sở vật chất. Xã đã lập đề án xây dựng điểm trường mầm non mới, ước tính 16 tỷ đồng, đề án đã trình lên các cấp nhưng chưa xin được kinh phí.
Khi phóng viên trao đổi vấn đề này với ông Vũ Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai thì được trả lời: Danh mục trường học đăng ký với các văn phòng chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh mà số tiền lớn như vậy thì tỉnh không thể có nguồn lực để hỗ trợ địa phương. Nên khi đăng ký, địa phương phải đăng ký nguồn lực phù hợp với điều kiện công trình mà tỉnh có thể hỗ trợ địa phương.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề thiếu trường học cho trẻ mầm non, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc Lê Huy Trung cho biết, năm 2018 xã sẽ xây thêm 5 phòng học đạt chuẩn bằng nguồn kinh phí của địa phương từ nguồn đấu giá sử dụng đất, xã cũng có lộ trình xây dựng một cụm B với 12 phòng học dành cho tất cả các độ tuổi mầm non.
Liên quan đến việc thiếu phòng học cho trẻ tại xã Quỳnh Lộc, nhiều hộ dân phản ánh xã dùng nhiều tỷ đồng vào làm đường nhựa liên thôn 2 km mà không đầu tư vào việc xây trường học cho trẻ. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc Lê Huy Trung giải thích việc làm đường nằm trong danh mục chương trình xây dựng nông thôn mới.
Khác với cách lý giải của ông Lê Huy Trung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc kiêm Trưởng Ban thanh tra nhân dân xã Quỳnh Lộc cho rằng số tiền 7,6 tỉ đồng làm đoạn đường 2 km trong khi con đường này đang mới và sử dụng tốt, nếu được phân bổ làm trường học cho các cháu thì thiết thực hơn, xây dựng trường học là ưu tiên hàng đầu khi nhu cầu người dân đang cấp bách.