Hải Dương: Cần sớm đưa vào sử dụng Trường mầm non Nguyên Giáp

Hàng chục cháu bé 3 - 4 tuổi phải co ro chịu đựng những cơn gió lạnh thổi qua khe hở của những tấm bạt. Đó là hình ảnh chúng tôi được chứng kiến khi đến thăm Trường mầm non xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Lớp học tạm ngoài sân che chắn gió bằng vải bạt.

Cô giáo Nguyễn Thị Xoan cho biết: Trường mầm non xã Nguyên Giáp đã xuống cấp nhiều năm nay. Trường chỉ có vài phòng học, mỗi phòng chỉ khoảng 20 m2, nhưng lớp nào cũng có từ 34 - 36 cháu. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ mầm non tại xã, trường đã phải dựng khung sắt, lợp mái tôn, quây bạt dứa làm thêm một lớp học ngoài sân. Hôm nào nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, nhà trường phải ghép các bé vào ngủ chung, các cháu chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp.

Không chỉ dựng lớp học tạm ngoài sân, trường còn phải mượn hội trường nhà văn hóa thôn để học nhờ. Nhưng nhà văn hóa cũng không khá hơn do đây là nhà cấp 4, xây dựng từ những năm 1960, luôn trong tình trạng ẩm thấp, dột nát, sàn nhà bong tróc, sụt lún. Khi thôn tổ chức họp dân, các cháu phải di chuyển đi nơi khác để nhường lại hội trường.

Cả trường mầm non chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh đã cũ.

Tính cả phòng học dựng tạm và lớp học tổ chức ở nhà văn hóa thôn, thì Trường mầm non Nguyên Giáp có 5 phòng học nhưng không có phòng nào đảm bảo chất lượng. Dù biết là dạy và học trong môi trường như vậy là không an toàn, không đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho cả cô và trò, nhưng thực sự nhà trường cũng không biết làm gì hơn. Mùa đông rét buốt, mùa hè nắng nóng oi bức, lớp học lại quá đông. Những hôm mưa, các cháu phải đứng lên bậc thềm, các cô tát nước, vì nước mưa tràn vào gây ngập phòng học, cô giáo Nguyễn Thị Xoan chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, là phụ huynh học sinh bức xúc: “Thời tiết lạnh mà cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp và thiếu thốn như vậy, chúng tôi cũng rất lo cho con em mình. Nhiều hôm thay đổi thời tiết, trời rét mướt không muốn cho con đi học, nhưng vì công việc không thể ở nhà với con, nên chúng tôi phải cố gắng trang bị áo ấm đưa con đến trường”.

Không chỉ có phòng học xuống cấp, lớp học quá tải mà các công trình phụ trợ của trường cũng thiếu thốn trầm trọng. Toàn trường, cả giáo viên và học sinh trên dưới 100 người mà chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh.

Trường mầm non xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ, Hải Dương). 

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp cho biết: Xã còn gặp nhiều khó khăn, có 7 thôn và 6 điểm trường mầm non đều rơi vào tình trạng này, đều phải mượn các nhà văn hóa để sử dụng. Trường mới đang trong quá trình xây dựng với 2 tầng 8 phòng học, dự kiến cuối năm 2018 mới có thể đi vào hoạt động.

Phòng học thiếu và xuống cấp khiến việc triển khai các hoạt động của trường gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt khi thời tiết mùa đông có nhiều đợt mưa, rét kéo dài ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả giáo viên và học sinh. Người dân, đặc biệt là các cô giáo, phụ huynh học sinh xã Nguyên Giáp đều mong muốn ngôi trường mới sớm hoàn thành để các cháu nhỏ được học tập trong môi trường an toàn.

Tin, ảnh: Hiền Anh (TTXVN)
Tổng rà soát thực trạng cơ sở vật chất trường học trên cả nước
Tổng rà soát thực trạng cơ sở vật chất trường học trên cả nước

Rà soạt thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học được xem là bước chuẩn bị quan trọng trước khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN