Trường tiểu học và trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh chỉ có 45 học sinh theo học. |
Theo lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo địa phương, nguyên nhân chính là do quy hoạch bất hợp lý.
Trường tiểu học và trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh được đầu tư, xây dựng vào năm 2008 và năm học 2008 - 2009 là năm đầu tiên trường được đưa vào sử dụng. Việc tính toán quy mô xây dựng trường được căn cứ trên số học sinh thực tế của xã Đắk Hòa. Địa điểm xây dựng trường nằm ven đường tỉnh 682, đường đi thuận lợi và liền kề với UBND xã Đắk Hòa, Trạm Y tế xã…
Tuy nhiên, theo thầy Phan Văn Quế, Hiệu trưởng nhà trường, việc tuyển sinh dịp đầu năm học đều rất khó khăn. Nguyên do là trường
quá xa khu dân cư, phụ huynh không muốn cho con em đến học. Trường tổ
chức cho hai lớp 8, 9 học tại trường vì các em đều đã lớn, có thể tự đi
lại mà không cần phụ huynh phải đưa đón. Còn các lớp nhỏ hơn thì các em
chưa tự đi lại được.
Đó là lý do vì sao ngôi trường khang trang với 16 phòng học nhưng chỉ vẻn vẹn có 45 học sinh hai lớp 8, 9. Mặc dù chức năng, nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức giảng dạy cả hai cấp tiểu học và trung học cơ sở, tức là từ lớp 1 đến lớp 9.
Cũng theo thầy Quế, mặc dù được xây dựng khang trang và hiện chỉ có 2/16 phòng học được sử dụng, nhà trường vẫn phải tổ chức thêm 3 điểm trường để dạy và học; trong đó có điểm trường được đầu tư xây dựng, có điểm phải đi thuê, có điểm phải mượn hội trường thôn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính của việc lãng phí cơ sở vật chất tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh là do việc quy hoạch bất hợp lý. Việc lựa chọn địa điểm xây trường được tính toán, cân nhắc ở vị trí liền kề khu hành chính xã Đắk Hòa. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu hành chính xã Đắk Hòa lại quá xa các điểm dân cư.
Ông Lâm Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa cho biết cả xã có 6 khu vực dân cư tập trung đông đúc. Trung tâm hành chính xã và các công trình thiết yếu như trạm y tế, trường học nằm biệt lập. Từ khu hành chính xã đến khu dân cư xa nhất là 15 km, khu gần nhất cũng hơn 5km. Do đó, phụ huynh có con em đang theo học bậc tiểu học và trung học cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện trong việc đưa đón các em.
Thầy Phan Văn Quế cho biết thêm, nhiều phụ huynh học sinh đã đưa con em theo học tại các trường tại xã Đắk Môl (liền kề với xã Đắk Hòa), thuộc huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông do đường giao thông thuận lợi hơn.
Sân trường vắng lặng, nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp sau nhiều năm không được sử dụng. |
Nhà trường hiện có 28 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 22 giáo viên. Việc tổ chức công tác dạy và học phải thích ứng với điều kiện thực tế mới có thể tạo điều kiện tốt cho các em học sinh theo học. Do đó, các lớp học từ 1 - 7 đều được tổ chức tại các điểm trường để đảm bảo việc đi lại, học tập cho các em học sinh.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch bất hợp lý, ông Lâm Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Hòa cho rằng việc quy hoạch khu hành chính xã Đắk Hòa do lãnh đạo xã Đắk Môl tiến hành và đề xuất để cấp trên thông qua. Xã Đắk Hòa tách ra từ xã Đắk Môl từ năm 2006. Hiện nay dân cư đã cư trú ổn định và hàng trăm hécta đất đai xung quanh khu hành chính của xã đều là rẫy cà phê, tiêu. Các hộ dân là chủ rẫy đã có nhà cửa ổn định tại xã Đắk Môl và một số khu vực khác của huyện Đắk Mil nên không có nhu cầu sang nhượng, mua bán cũng như chuyển đến cư trú.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho rằng những bất hợp lý trong công tác quy hoạch khu hành chính xã, dẫn đến các công trình thiết yếu đối với cuộc sống người dân như trường học, trạm y tế xã đều được xây dựng xa khu dân cư đã trở thành vấn đề nan giải từ nhiều năm nay tại xã Đắk Hòa.
Việc xây dựng khu hành chính và các công trình thiết yếu để phục vụ người dân tại xã Đắk Hòa đã không tính toán đầy đủ đến sự thuận lợi cho người dân. Hậu quả là hơn 10 năm sau khi chia tách xã, khu hành chính vẫn biệt lập và nằm xa các khu dân cư tập trung đông đúc. Đây là một bài học trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở xã Đắk Hòa.