Công trình trạm cấp nước tập trung xã Đức Xuyên cung cấp nước sinh hoạt cho 1.500 nhân khẩu. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Thế nhưng, theo báo cáo của UBND xã Đức Xuyên, thực tế chỉ có hơn 1.500 nhân khẩu được cấp nước. Hơn nữa, nhiều hạng mục xử lý nước của công trình đã không hoạt động thường xuyên kể từ khi được đưa vào vận hành chính thức.
Theo ông Hồ Quốc Sử, nhân viên vận hành công trình này, nhiều hạng mục của công trình xử lý nước đã bị hỏng, không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên từ tháng 4/2015. Trong đó, hệ thống bơm khử trùng và hệ thống đánh phèn đều không hoạt động và đã bị hư hỏng từ lâu.
Ông Sử cho rằng, đây là hai hệ thống quan trọng đối với quá trình xử lý nước vì có tác dụng khử trùng vi sinh vật trong nước và lắng cặn, kết tủa sắt. Tổ quản lý nước đã nêu ý kiến với các đơn vị liên quan nhiều lần về vấn đề này nhưng lần nào cũng chỉ được trả lời là… chờ đã và sẽ xử lý sau.
Ông Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên khẳng định, sau khi nhận bàn giao công trình, xã giao cho Tổ quản lý nước quản lý, điều hành. Cả đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư đều chưa tổ chức tập huấn, hướng dẫn về việc vận hành cho nhân viên tổ quản lý nước. Riêng đối với máy sục clo do bị hỏng đã lâu nên nhân viên trạm đổ thẳng clo vào bể chứa. Quá trình xử lý nước bị khuyết nhiều công đoạn, không tuân thủ quy trình xử lý theo thiết kế, xây dựng ban đầu.
Theo Ban Quản lý Dự án huyện Krông Nô là đơn vị chủ đầu tư, đơn vị đã hoàn thành các thủ tục bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng là UBND xã Đức Xuyên và công trình cũng đã được bảo hành 12 tháng theo quy định. Đơn vị cũng đã chỉ dẫn ban đầu cho Tổ quản lý nước, còn việc tập huấn chưa thực hiện được là do chưa có lớp tập huấn (do cấp trên tổ chức).
Ông Phan Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Krông Nô cho hay, đơn vị đã biết hệ thống sục clo và lắng phèn hoạt động “yếu” khi chưa bàn giao công trình và đã phối hợp với các bên để xử lý, sửa chữa, khắc phục. Sau khi bàn giao hẳn cho xã (tháng 1/2015) thì hệ thống sục clo nói riêng và toàn bộ quy trình xử lý nước hoạt động thế nào thì ông không nắm được.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông, quy trình vận hành nhà máy nước khá phức tạp và phải tuân thủ đầy đủ các công đoạn mới có thể đảm bảo nước sau xử lý đạt chuẩn phục vụ sinh hoạt. Việc nhiều công đoạn không hoạt động, cán bộ trực tiếp vận hành không được tập huấn đầy đủ cả về hệ thống quản lý nước lẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này cho thấy các bên rất thiếu trách nhiệm, nhất là trong trường hợp nguồn nước ngầm cấp cho nhà máy nước xử lý có nhiều loại kim loại nặng và không đạt chuẩn sinh hoạt như đã nói ở trên.
Rõ ràng, công trình cấp nước tập trung xã Đức Xuyên hoạt động chưa tới 50% so với công suất thiết kế, xây dựng. Việc bàn giao, vận hành hệ thống cũng không đúng quy trình kỹ thuật, dẫn tới nguồn nước sau xử lý vẫn để lọt nhiều thành phần, hoạt chất gây hại cho sức khỏe, nổi bật nhất là arsen theo như kết luận của Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông.