Khánh Hòa: Thiếu kinh phí sửa trường học và bệnh viện thiệt hại nặng sau bão

Hơn một tháng sau bão số 12, hàng trăm cơ sở y tế, trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục quá trình khôi phục, tu sửa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, những cơ sở bị hư hỏng nặng chưa thể khắc phục xong trước thời điểm kết thúc năm nay.

Nỗ lực ổn định khám chữa bệnh, dạy học
    
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là một trong những cơ sở y tế tại thành phố Nha Trang bị thiệt hại nặng. Hiện bệnh viện đã khắc phục được một số công việc như: cưa các cây xanh đổ, di dời các cây đổ trong khu vực bệnh viện; làm mới cổng ra vào khu xử lý chất thải y tế; thay tôn, xà gỗ và la phông bị hỏng ở Bếp ăn từ thiện; phủ bạt toàn bộ hồ sơ bệnh án tại kho lưu trữ hồ sơ, đang tiến hành thay tôn, xà gỗ và trần. Các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh bị hư hỏng đã được thay thế bằng máy dự phòng. Công tác khám chữa bệnh được duy trì ngay trước trong và sau bão.
    
Sau bão, toàn ngành Y tế khẩn trương triển khai công tác khắc phục sửa chữa, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa nhận định: nhìn chung, công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh sau bão vẫn đang triển khai tốt. Toàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch bệnh nào sau bão.
    
Tại trạm Y tế xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, các công đoạn khôi phục, sửa chữa phần mái bị tốc, hệ thống trần nhà bị thấm nước và hệ thống cây xanh, tường rào đã gần như hoàn tất. Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa Trịnh Tiến Khoa cho biết, 27 trạm y tế xã, phường vẫn duy trì các hoạt động khám chữa bệnh từ sau bão. Hiện chỉ còn các Trạm Y tế xã Ninh Ích, phường Ninh Giang, xã Ninh Phụng đang triển khai công tác khắc phục, tuy nhiên còn chậm vì thiếu nhân công và vật tư sửa chữa.

Trường Tiểu học Phước Thịnh (thành phố Nha Trang) là một trong nhiều trường học bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 12.

Là một trong những điểm trường Trung học phổ thông thiệt hại nặng của tỉnh, Trường Tô Văn Ơn (huyện Vạn Ninh) hiện đã khắc phục được một số hạng mục nhỏ; còn hệ thống la phông, điện, quạt… của 13 phòng học, 6 dãy nhà hành chính cùng nhiều thiết bị và hệ thống máy tính hư hỏng nặng… vẫn chưa được khôi phục vì chờ kinh phí. Khu vực tường rào bị sập, đã được nhà trường dựng lưới để đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, học sinh vẫn đang học trong điều kiện thiếu điện, quạt, ánh sáng… Song với nỗ lực của nhà trường, sau hơn 1 tháng dạy bù, tăng tiết, học sinh đã theo kịp chương trình học.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý cho biết, trước mắt các trường tự sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên khắc phục tạm thời để đảm bảo công tác dạy và học sớm nhất, trong đó ưu tiên ổn định học tập cho học sinh khối 12. Đến nay, trường, lớp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu ổn định. Hầu hết các trường đều có thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Mong sớm có kinh phí sửa chữa

Với ngành Giáo dục, ngay sau bão, được sự hỗ trợ ngày công của phụ huynh, sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội và cán bộ công nhân viên chức, các trường trên toàn tỉnh đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh, tháo gỡ la phông bị sập, lợp lại mái ngói bị tốc, phơi sấy đồ dùng dạy học, đồ chơi… bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

Ông Nguyễn Trọng Sỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh (huyện miền núi Khánh Vĩnh) cho biết, trước mắt nhà trường chỉ có thể khắc phục ban đầu như: Thuê thợ lợp mái, la phông, hệ thống điện, nước; còn hệ thống máy vi tính, mái che khu hoạt động ngoài trời chưa khôi phục được. Hiện nay, học sinh vẫn đang phải học trong điều kiện thiếu thiết bị dạy học và thực hành không đầy đủ. Sau 1 tháng dạy bù, tăng tiết, nhà trường đã theo kịp chương trình bị gián đoạn và triển khai các chương trình ôn tập để chuẩn bị cho đợt thi học kì I. Đối với những hạng mục, thiết bị hư hỏng nặng, trường không đủ kinh phí để tự sửa chữa nên vẫn phải đợi.

Gần đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã chỉ đạo cho ngành  tế, giáo dục phải hoàn thành việc khắc phục các cơ sở vật chất trong ngành chậm nhất đến ngày 30/12/2017. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa Hoàng Thị Lý, ngành này đang gặp khó khăn, bởi những công trình có mức đầu tư kinh phí lớn, thiệt hại từ 500 triệu đồng đến vài tỷ chưa thể xử lý nhanh được vì liên quan đến thủ tục và kinh phí. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng tiến hành rà soát, đánh giá cơ sở, công trình có mức độ hỏng nặng; tiến hành thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập dự toán thiết kế để thực hiện sửa chữa các cơ sở theo đúng quy định khi được bổ sung nguồn kinh phí khắc phục. Nhằm sớm khắc phục các cơ sở, công trình do cơn bão số 12 gây ra, ngành Giáo dục và đào tạo mong được sớm hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, sau bão đến nay, ngành Y tế có 116 cơ sở bị thiệt hại với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Các sửa chữa nhỏ như lợp lại ngói bị tốc, dọn dẹp đã được các đơn vị tạm thời khắc phục, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh. Các sửa chữa lớn như đóng trần thạch cao, xây tường rào, cửa kính, vách kính… đang khắc phục dần dần do thiếu nhân công và vật tư. Các hạng mục hư hỏng nặng vẫn đang khẩn trương khắc phục, dự kiến chỉ có một số ít cơ sở có thể hoàn thành theo đúng thời gian yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão
Ngành Giáo dục Khánh Hòa nỗ lực dạy và học sau bão

Đã hai tuần trôi qua kể từ khi cơn bão số 12 đi qua, tại tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn rất nhiều trường học bị hư hỏng nghiêm trọng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN