Bão lớn đổ bộ sau hàng chục năm
Ngay khi bão số 12 còn gây ra gió mạnh và mưa lớn, chúng tôi đã cùng với lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa, lên đường đi đến các địa phương được cho là nằm trọn trong tâm bão gồm: Thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.
Nhà của người dân xã Ninh Hòa bị thiệt hại do bão. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
|
Theo quan sát của phóng viên, hai bên Quốc lộ 1A dài gần 80 km từ thành phố Nha Trang đi thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh có hàng trăm cột điện bị đổ chắn một phần đường đi, kéo theo dây điện bị đứt, vắt ngang qua đường, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện qua lại. Cùng với mưa to, gió lớn đã gây ùn tắc cục bộ trên tuyến đường huyết mạch này. Bên cạnh đó là những tấm mái tôn, biển quảng cáo, khung cửa và nhiều vật dụng khác bị gió bão thổi bay, nằm ngổn ngang trên đường.
Theo thống kê sơ bộ, hàng chục nghìn ngôi nhà của người dân, nhà xưởng, công sở bị hư hỏng, trong đó có không ít nhà bị sập hoàn toàn, còn lại là sập một phần và tốc mái. Rau màu và cả cây xanh lâu năm đều bị đổ ngã hàng loạt nằm rạp xuống sát mặt đất; hàng nghìn ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản bị nước lũ nhấn chìm; hàng trăm tàu cá của ngư dân bị sóng biển nhấn chìm hoặc đánh vỡ.
Theo người dân địa phương, hơn 20 năm qua mới có một cơn bão đổ bộ vào Khánh Hòa - cơn bão số 12. Nhưng đây cũng là cơn bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề nhất mà họ từng biết tới. Bà Trần Thị Thu An, sinh sống ở ven biển vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, năm nay đã 62 tuổi cho biết bà chưa từng thấy cơn bão nào có gió giật mạnh, kèm theo mưa to và biển có sóng lớn đến thế. Bà An cho biết, bão đổ bộ vào rạng sáng và duy trì gió giật rất mạnh, mưa to liên tục trong khoảng 3 giờ. Cơn bão thực sự gây quá nhiều thiệt hại cho người dân. Nhiều hộ đã "trắng tay" chỉ trong vài giờ cơn bão đi qua.
Xã ven biển Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, do nằm trọn trong “mắt bão”. Bà Trần Thị Khanh vừa chuyển về ở trong căn nhà mới được xây dựng sát biển. Để có 600 triệu đồng làm căn nhà này, bà Khanh đã phải dành dụm tiền suốt hàng chục năm và phải vay mượn thêm. Thế nhưng, niềm vui được sinh sống trong căn nhà mới của gia đình bà bỗng chốc vụt tắt bởi mưa bão và triều cường đã cuốn phăng căn nhà mới ra biển. Vị trí căn nhà khang trang ngày nào, bây giờ chỉ là hố cát sâu hoắm. Bà Khanh ngậm ngùi: "Chỉ trong vài giờ bão đổ vào, gia đình đã mất hết nhà cửa và tài sản. Bây giờ chỉ mong sao chính quyền hỗ trợ để có chỗ ở an toàn, sau đó mới tính đến việc làm ăn".
Theo ông Trần Đình Thú, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: “Thống kê sơ bộ địa phương đã có 1 người chết, 3 người bị thương, ít nhất 14 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhà của người dân bị tốc mái và hư hỏng lên đến khoảng 80%, nhiều tàu cá của ngư dân bị sóng biển đánh chìm”. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở các xã và thị trấn Vạn Giã của huyện Vạn Ninh, với 5.800 căn nhà bị tốc mái, bị sập, hư hỏng và đau lòng nhất là có 4 người bị chết.
Tại thị xã Ninh Hòa, thiệt hại do bão số 12 gây ra nhiều đến mức, đến ngày 5/11 chính quyền địa phương vẫn chưa thể thống kê sơ bộ được số nhà cửa, công trình bị hư hỏng. Địa phương mới xác định được ít nhất có 13 người bị chết. Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, bão số 12 đã khiến khoảng 70% trong tổng số nhà của người dân trong thị xã bị tốc mái, bị sập, hư hỏng và rất nhiều thiệt hại khác.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết, bão số 12 đổ bộ vào địa phương gây thiệt hại hết sức nặng nề. Theo đó, tỉnh đã có ít nhất 23 người bị chết, 1 người mất tích, hơn 690 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; trên 29.300 ngôi nhà bị tốc mái (chưa tính thị xã Ninh Hòa).
Trong số người bị thiệt mạng, phần lớn do bị nhà sập đè, bị nước cuốn trôi, đuối nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn có trên 1.450 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị chìm; trên 3.740 ha lúa, trên 2.500 ha mía và sắn bị ngã đổ; 112 chiếc thuyền bị chìm, hư hại…
Ngành Điện lực và Công trình đô thị đang tiến hành dọn dẹp và sửa chữa, để khôi phục điện và cảnh quan môi trường. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN |
Trước tình hình đó, Khánh Hòa đã chỉ đạo quyết liệt các ban ngành và địa phương, huy động tối đa lực lượng bao gồm cả Công an, Quân đội, dân quân tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 với tinh thần và nỗ lực cao nhất nhằm hỗ trợ kịp thời để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất trở lại. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Lê Huy Toàn cho biết, trước mắt, địa phương tập trung khắc phục hệ thống điện nước, dọn dẹp cây xanh, vật dụng, nối lại giao thông trên các tuyến đường, tránh ùn tắc.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết đã chỉ đạo cho các địa phương, ban ngành, tập trung khẩn trương sơ tán di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt, những nơi nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng. Các lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ tiếp tục giúp dân gia cố nhà cửa bị hư hỏng, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho bà con. Tỉnh cũng đã chỉ đạo khẩn trương cấp điện trở lại, tập trung phòng chống dịch bệnh và cung cấp nước sạch cho người dân; đồng thời hỗ trợ kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Trong chuyến thị sát về tình hình thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra ở các địa phương của tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân, nhất là gia đình có người bị chết, bị thương để giúp bà con ổn định cuộc sống; không để người dân bị đói và tìm chỗ ở an toàn cho các hộ dân có nhà bị sập, hư hỏng.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh không để người dân ra biển trong điều kiện sóng to, gió lớn; không để xảy ra sự cố, tại nạn do hệ thống điện đổ ngã và sập nhà; sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm, sạt lở đất, bị ngập sâu và hướng dẫn người dân đi lại để đảm bảo an toàn...