Tính đến 10 giờ ngày 5/11, lượng mưa trung bình đo được phổ biến từ 50-100mm, riêng khu vực miền núi huyện Đakrông và khu vực phía Nam tỉnh ở huyện Hải Lăng lượng mưa đo được rất cao có nơi đạt 384mm như Tà Long, tại xã Ba Nang là 249mm, xã Hải Sơn 250mm… Hiện nay, mưa lớn đã khiến mực nước các sông lên nhanh có nơi ở mức trên báo động 2 như lưu vực sông Ô Lâu, sông Thạch Hãn…
Mưa lớn gây ngập sâu trên đường Hùng Vương, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường có ngầm, tràn và vùng thấp bị ngập úng, chia cắt, cô lập tại huyện Đakrông như: Ở xã Ba Nang (huyện Đakrông) mưa lớn khiến sạt lở nghiêm trọng tại Km5+300. Bên cạnh đó, tại cầu tràn Đá Đỏ ở Km5+800 nước đã vượt ngưỡng cầu trên 2m làm chia cắt hoàn toàn đường vào trung tâm xã; Tại tuyến đường 558a ở cầu tràn Ba Lòng, mực nước vượt tràn cao trên 2,5m gây chia cắt giao thông, cô lập và làm ngập ở một số vùng thấp thuộc các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc; Tuyến đường Tà Rụt đi A Vao bị ngập tại tràn Tà Rụt 1,5m, gây chia cắt giao thông nghiêm trọng; Tuyến đường A Ngo đi La Lay bị ngập tại tràn A Rồng Trên 1,5m khiến các phương tiện giao thông không thể qua lại; Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại Km24 bị ngập trên 1m với chiều dài 150m.
Ngoài ra, ở một số tuyến đường ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng cũng bị ngập sâu từ 0,2-0,4m, đặc biệt tại các tuyến đường liên thôn ở vùng càng, thấp như xã Hải Hòa, Hải Thành bị chia cắt…
UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành 2 công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động triển khai công tác phòng, chống. Đặc biệt, tiến hành cấm biển, quản lý chặt chẽ tàu thuyền để đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Bên cạnh đó, triển khai phương án 4 tại chỗ, bố trí lực lượng, con người và phương án triển khai tại các địa phương hiện đang bị ngập sâu, chia cắt, sạt lở đất, các vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống...
* Sáng nay, mực nước lũ bất ngờ dâng cao đã làm cô lập địa phương xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Một số xã khác như Hành Đức, Hành Phước, Hành Nhân cũng bị ngập nhưng nhẹ hơn. Ghi nhận tại xã Hành Dũng, nước từ sông Phước Giang dâng khá nhanh, tràn rất mạnh vào nhà dân. Mực nước đo được vào lúc 11 giờ ngày 5/11 là hơn 1,2m. Người dân phải lội nước, dầm mưa để di chuyển đàn gia súc và đồ đạc đến nơi cao ráo tránh trú. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, mặc dù đã mua sắm sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết, nhưng theo tính toán của người dân khu vực này, nếu lũ kéo dài trên 7 ngày thì sẽ hết lương thực dự trữ.
Trước tình hình đó, UBND huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo UBND các xã phân công người canh gác, túc trực không cho người và phương tiện qua lại tại những điểm nước chảy xiết để đảm bảo tính mạng con người và tài sản. Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành thông tin, đến thời điểm này, huyện đã hoàn tất việc di dời gần 2.000 hộ dân với gần 7.600 nhân khẩu lên vùng cao, cho ở xen ghép tại các nhà cao tầng, các điểm trường của các xã. Huyện cũng lập phương án dự phòng, nếu trong chiều nay và ngày mai, nước dâng bằng với đỉnh lũ năm 2013 thì sẽ tiếp tục di dời 5.000 hộ dân với 12.000 nhân khẩu.
Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Nghĩa Hành cho biết, mưa lũ trên địa bàn đã làm 1 người mất tích vào lúc. Nạn nhân là cháu Trần Hữu Phước (1998) ở thôn Phú Thọ, xã Hành Tính Tây.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 12, thành phố Quảng Ngãi đã bị ngập nặng. Hầu hết các tuyến đường lớn như Hùng Vương, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu… nước dâng đến gần nửa mét, khiến nhiều phương tiện bị chết máy gây ách tắc cục bộ trong thời gian dài… Mưa lũ cũng đã làm 11 tuyến đường trên địa bàn huyện Sơn Tây bị sạt lở nghiêm trọng; 15 ngôi nhà bị xiêu vẹo; cuốn trôi ông Đinh Văn Bình (1972) ở thôn Mang Trẩy, xã Sơn Lập khiến ông thiệt mạng trong lúc đang đi qua suối.
Do mưa lớn, từ chiều và tối 4/11, khu vực sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nước sông dâng cao ở mức trên báo động 3 làm hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Sơn bị ngập sâu. Sáng 5/11, chính quyền huyện Bình Sơn đang khẩn trương di dời các hộ dân có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn.
Tại thôn Châu Me, xã Bình châu, huyện Bình Sơn, hơn 70 hộ dân với 260 nhân khẩu đang được lực lượng chức năng của tỉnh, huyện dùng ca nô đưa bà con đến Trạm y tế xã, UBND xã để đảm bảo an toàn. Toàn huyện hiện có có hàng trăm hộ dân tại các xã bị ngập sâu phải di dời gồm Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Châu, Bình Hiệp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Trung , Bình Dương, Bình Long, Bình Minh.
Người dân Quảng Ngãi khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Trong đó, có 2 địa phương bị nặng là Bình Châu và Bình Minh, nhiều nơi đã ngập sâu hơn 1mét. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con, huyện đã tổ chức di dời bà con những vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn. Cùng với đó là cấm đường và cử lực lượng túc trực 24/24 cùng ghe máy để vận chuyển người và phương tiện qua lại tại những điểm bị cô lập. Những nhu yếu phẩm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ bà con trong những ngày mưa lũ.
Còn tại huyện Trà Bồng, đến thời điểm 10 giờ sáng 5/11, toàn huyện có 1 nhà dân bị sập hoàn toàn, 7 ngôi nhà bị tốc mái, 1 ngôi nhà bị sụp, 3 khu dân cư ở xã Trà Bình, Trà Phú bị cô lập hoàn toàn. Mưa lũ đã gây ngập, chia cắt hàng loạt tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cô lập nhiều vùng; trong đó có 3 tuyến Quốc lộ là Quốc lộ 24B, 24C và Quốc lộ 24 đều đã bị chia cắt hoàn toàn. Riêng Quốc lộ 24C bị sạt lở núi gây tắc đường.
* Tại Quảng Nam, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, cộng với một số thủy điện trên địa bàn liên tục xả lũ, khiến cho hàng chục ngàn ngôi nhà của người dân tỉnh Quảng Nam ngập sâu trong biển nước.
Theo thông tin sơ bộ, đến trưa ngày 5/11, mực nước sông Hoài tại Hội An dâng cao, hầu hết các tuyến đường trong khu phố cổ đã bị ngập, có đoạn lên tới hơn 1m. Hội An đã lên kế hoạch sơ tán đến nơi cao, nhằm đảm bảo an toàn tính mạnh cho nhân dân.
Mưa lũ cũng làm cho bờ biển khu vực Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng. Tại thôn 4 xã Trà Giang và thôn 3 xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà Mi, mưa lớn làm sạt lở 2 nhà dân. Tuyến đường ĐH8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui bị sạt lở 3 điểm với khối lượng khoảng trên 1.000m3 đất đá, hiện tại giao thông trên tuyến bị chia cắt; tuyến đường Nam Quảng Nam đoạn qua tổ Minh Đông (thị trấn Trà My) bị sạt lở 2 điểm với khối lượng khoảng 150m3 đất đá, gây tắc đường.
Trong sáng ngày 5/11, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống theo theo châm “4 tại chỗ”. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu thành phố Hội An cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, đặc biệt là chuẩn bị công tác khắc phục, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ để kịp đón chuỗi hoạt động phu nhân, phu quân APEC tham quan Hội An.
Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam đang hỗ trợ di dời người dân ở khu vực ngập lụt thuộc xã Tam Đàn và Tam An, huyện Phú Ninh đến nơi cao ráo. Dự kiến, số người dân phải di dời là khoảng 500 người. Để hỗ trợ người dân tại xã đảo Tam Hải bị sập nhà và tốc mái do lốc xoáy gây ra, lãnh đạo huyện Núi Thành đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân bị thương nặng do lốc cuốn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Theo thống kê ban đầu, toàn huyện Núi Thành có 102 nhà bị tốc mái, gồm: xã Tam Hải có 86 nhà, xã Tam Tiến có 06 nhà, xã Tam Xuân 1 có 1 nhà, xã Tam Hiệp có 8 nhà và 1 nhà của xã Tam Mỹ Đông. Ngoài ra, tại xã Tam Quang chết 3 con trâu do bị điện giật và địa bàn xã Tam Mỹ Tây xuất hiện tình trạng mực nước phía trên và dưới đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chênh lệch nhau khoảng trên 60cm, gây ngập úng một số nhà dân khu vực trên đường…
Thông tin từ Phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Quảng Nam thì đến trưa ngày 5/11, tuyến đường quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Nam vẫn còn lưu thông được. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường liên xã, liên huyện đã bị ngập, gây chia cắt cục bộ. Để chủ động điều tiết giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam đã bố trí trực 100% cán bộ chiến sỹ, tăng cường tuần tra trên tuyến để kịp thời phát hiện và xử lý khi có xự cố xảy ra.