Đối với lưới điện phân phối 110kV, EVN đã khôi phục vận hành được 7 trạm trên tổng số 10 trạm biến áp 110 kV bị ảnh hưởng do bão. Đồng thời, khôi phục được 11 đường dây trên tổng số 14 đường dây 110 kV cũng bị sự cố do ảnh hưởng bão. Còn lại 3 trạm và 3 đường dây 110 kV đều thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Tập đoàn đang nỗ lực khắc phục xử lý.
Với lưới điện trung hạ áp, EVN cũng đã khôi phục cấp điện được 28/73 dường dây bị sự cố tại Khánh Hòa. EVN đã khôi phục cấp điện được 11/38 dường dây bị sự cố tại Phú Yên, đồng thời, khôi phục cấp điện được 43/54 dường dây bị sự cố tại Bình Định. Một số địa phương khác cũng có sự cố lưới điện do bão nhưng ở quy mô nhỏ, về cơ bản đã khôi phục cấp điện gần như hoàn toàn như: Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông.
Công nhân điện lực Phú Yên khôi phục lại mạng lưới điện ở thành phố Tuy Hòa bị ngã đổ. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 Damrey, tình hình cung cấp điện tại nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị tập trung tối đa nhân lực và phương tiện, trang thiết bị, phát huy tinh thần 4 tại chỗ để khắc phục, xử lý lưới điện bị sự cố do ảnh hưởng bão với mục tiêu cấp điện trở lại nhanh nhất cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng. Theo đó, ưu tiên cấp điện trước đối với các phụ tải như: cấp nước sạch, các bệnh viện - trung tâm y tế, thông tin liên lạc và bơm chống úng.
Cho đến sáng nay 5/11, mặc dù lưu lượng nước về các hồ đã giảm nhanh nhưng các Nhà máy thủy điện thuộc Tập đoàn vẫn theo dõi sát và tuân thủ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ sáng 4/11, bão số 12-Damray đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa với sức gió giật mạnh cấp 11-13. Do ảnh hưởng của bão, ở An Nhơn (Bình Định) có gió giật cấp 11, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 11, TP Nha Trang (Khánh Hòa) giật cấp 12-13. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm…Trong đó, 3 tỉnh bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nhất là Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Cơn bão đã khiến lưới điện 220 kV có 5 đường dây 220 kV thuộc khu vực Khánh Hòa, Phú Yên bị sự cố.
Với lưới điện phân phối, lưới điện 110 kV có 14 đường dây 110 kV khu vực Bình Định đến Khánh Hòa bị sự cố; Có 10 trạm biến áp 110 kV thuộc Phú Yên và Khánh Hòa bị sự cố.
Đối với lưới điện trung hạ áp, EVN cho biết, đến 10 giờ cùng ngày, lưới điện khu vực tâm bão đổ bộ, thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó, khu vực Khánh Hòa bị mất điện toàn bộ tỉnh, trừ thành phố Cam Ranh; Khu vực Phú Yên bị mất điện toàn tỉnh. Trong khu vực Bình Định bị mất điện khu vực 2 huyện Phú Tài, Phú Cát, còn lại các khu vực khác bị ảnh hưởng không đáng kể.
Để ứng phó cơn bão, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công điện thượng khẩn nhằm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Theo yêu cầu của các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Sông Ba Hạ, Sông Hinh (Phú Yên), Sông Bung 4 (Quảng Nam), Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (Lâm Đồng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện huy động tối đa công suất của các nhà máy thủy điện trong khu vực bị ảnh hưởng để góp phần hạ thấp mức nước, tạo dung tích đón lũ.