Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 10.400 m3/giây. Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN |
Báo cáo nhanh từ các đơn vị thuộc EVN cho hay, theo yêu cầu của các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Sông Ba Hạ, Sông Hinh (Phú Yên), Sông Bung 4 (Quảng Nam), Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (Lâm Đồng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thực hiện huy động tối đa công suất của các nhà máy thủy điện trong khu vực bị ảnh hưởng để góp phần hạ thấp mức nước, tạo dung tích đón lũ.
Về lưới điện, đến thời điểm 10h00 sáng nay (4/11), khu vực bị bão ảnh hưởng bị mất điện với tổng công suất khoảng 400MW, lưới điện kết nối với nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh bị sự cố.
Cụ thể, với lưới điện truyền tải 220kV, 500kV: Lưới điện 500 kV không bị sự cố; Lưới điện 220 kV có 05 đường dây 220 kV thuộc khu vực Khánh Hòa, Phú Yên bị sự cố.
Với lưới điện phân phối, lưới điện 110kV có 14 đường dây 110kV khu vực Bình Định đến Khánh Hòa bị sự cố; Có 10 trạm biến áp 110kV thuộc Phú Yên và Khánh Hòa bị sự cố.
Đối với lưới điện trung hạ áp, EVN cho biết, đến 10h00, lưới điện khu vực tâm bão đổ bộ, thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó, khu vực Khánh Hòa bị mất điện toàn bộ tỉnh, trừ TP. Cam Ranh; Khu vực Phú Yên bị mất điện toàn tỉnh. Trong khu vực Bình Định bị mất điện khu vực 2 huyện Phú Tài, Phú Cát, còn lại các khu vực ảnh hưởng không đáng kể.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ sáng nay (4/11), bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa với sức gió giật mạnh cấp 11-13. Do ảnh hưởng của bão, ở An Nhơn (Bình Định) có gió giật cấp 11, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 11, TP. Nha Trang/Khánh Hòa giật cấp 12-13. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm…