Xây nền tảng lĩnh hội tri thức
Những ngày này, không khi chuẩn bị chào đón học sinh tựu trường của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản (phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh) rất nhộn nhịp. Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2024-2025, thày và trò nhà trường rất vui mừng khi vừa khánh thành, đưa vào sử dụng dãy nhà mới với 19 phòng học, 5 phòng phụ trợ. Nhà trường đang hoàn thiện lắp đặt đầy đủ trang, thiết bị trong phòng học, trang trí lớp học, nhất là lên kế hoạch tổ chức ngày tựu trường cho các em học sinh khối 1 và khối 6 nhằm tạo không khí gần gũi, phấn khởi, đón năm học mới.
Sau 3 tháng nghỉ hè, cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A5 rất hào hứng chuẩn bị năm học mới. Được phân công giảng dạy lớp 1, những ngày này, cùng với nhà trường, cô chủ động đến trường trang trí lớp học cây cảnh,tủ sách, tủ đồ… “Năm đầu tiên đi học có ý nghĩa quan trọng, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng các học sinh. Do vậy, ngoài chuẩn bị kiến thức, kỹ năng sư phạm, tôi muốn tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng cho từng em học sinh”, cô Hiền chia sẻ.
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Quốc Toản có 56 lớp học với trên 2.500 học sinh. Cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng nhu cầu dạy, học, 100% các lớp tổ chức ăn bán trú. Nhà trường có khối 5 và khối 9 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, toàn bộ giáo viên được đi tập huấn theo chương trình, bảo đảm chất lượng dạy và học.
Là một đơn vị có chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, luôn có sự tăng trưởng vững chắc và liên tục trong nhiều năm liền, Trường Trung học phổ thông Quế Võ số 2 (xã Đào Viên, thị xã Quế Võ) đã sẵn sàng bước vào năm học mới. Nguyễn Văn Huân, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị phục vụ cho dạy và học, chỉnh trang cảnh quan, môi trường, tạo tâm thế thoải mái cho các học sinh tựu trường và đón ngày khai giảng. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng và đón các em học sinh bước vào năm học mới đã sẵn sàng.
Đặc biệt, năm học 2024-2025, khối 12 là khối lớp cuối cùng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã cử giáo viên tham gia tập huấn, rà soát, đăng ký môn học lựa chọn và chuyên đề học tập để triển khai phương án giảng dạy phù hợp.
Tuy vậy, đội ngũ giáo viên, công tác chuyên môn, nhiều trường học ở Bắc Ninh vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể, do dân số trong tuyến tuyển sinh gia tăng cơ học cao dẫn đến nguy cơ thiếu phòng học, thiếu giáo viên tại một số trường. Việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cần cân đối lại đội ngũ giáo viên. Thêm vào đó, một số trường học hiện nay còn hạn chế về diện tích sử dụng, chưa được đầu tư xây mới và mở rộng khuôn viên, gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô lớp học, triển khai hoạt động tập thể…
Thầy Nguyễn Tiến Đính, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Phong 1 (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: Nhà trường hiện có hơn 2.000 học sinh của 45 lớp. Cơ sở vật chất, phòng học thông thường chỉ bảo đảm nhu cầu dạy và học với 2 phòng tin học, 3 phòng thực hành Vật lý, Hóa học, Sinh học. Vấn đề khó khăn nhất của nhà trường là khuôn viên hẹp. Tổng diện tích 1.3ha, nhỏ nhất tỉnh. Sân trường nhỏ khiến hoạt động thể dục, giáo dục quốc phòng khó triển khai. Nhiều thời điểm, nhà trường phải mượn sân vận động gần đó để bố trí cho học sinh học thể dục.
"Nhà trường mong muốn các cấp chính quyền sớm triển khai xây dựng Trường Trung học phổ thông Yên Phong 1, phân hiệu 2 để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nhất là trong bối cảnh dự kiến những năm học tới số lượng học sinh ngày càng tăng cao", thầy Nguyễn Tiến Đính chia sẻ.
Tạo đà bứt phá
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn cho biết: Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 506 trường học (177 trường mầm non; 151 trường tiểu học và 2 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở; 138 trường trung học cơ sở; 40 trường trung học phổ thông)... Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã giành nhiều kết quả nổi bật, là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về phong trào, chất lượng giáo dục.
Các trường tại Bắc Ninh có nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông xếp thứ 5 trong số các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó nhiều môn học có điểm trung bình trong tốp đầu toàn quốc như môn Vật lí xếp thứ 2, Toán xếp thứ 3, Hóa học, Lịch sử, Địa lí xếp thứ 6, Ngữ văn, Tiếng Anh xếp thứ 8; Điểm trung bình của học sinh thi các khối thi A, A1 xếp thứ 2, khối C, D xếp thứ 5…
Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông năm học 2023-2024, Bắc Ninh có 79/86 học sinh đoạt giải, xếp thứ 2 toàn quốc. Đã có 15 học sinh của tỉnh Bắc Ninh được triệu tập dự Kỳ thi chọn Đội tuyển Olympic quốc gia dự thi khu vực và quốc tế.
Năm học 2024-2025, dự kiến Bắc Ninh có hơn 133.300 học sinh tiểu học; trên 86.000 học sinh trung học cơ sở và trên 46.000 học sinh trung học phổ thông. Bắc Ninh đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với thực tiễn địa phương. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm cả về số lượng và chất lượng...
Năm học mới 2024-2025, để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 9, lớp 12 đạt kết quả tốt trong 2 kỳ thi đổi mới - kỳ thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết thực hiện đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2024-2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập; bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỉnh triển khai thực hiện tốt kế hoạch xây dựng trường "xanh – sạch – đẹp – an toàn" trong các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025.
Với kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, ngành tích cực tuyên truyền, phổ biến về phương án tổ chức Kỳ thi; thực hiện hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp, lựa chọn môn thi (ngoài các môn bắt buộc). Từ đó, các trường xây dựng phương án dạy và học phù hợp với năng lực, nguyện vọng của học sinh. Đồng thời tỉnh tăng cường vai trò đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm triển khai đồng bộ tới lực lượng này trong việc giảng dạy, xây dựng chuyên đề, ngân hàng câu hỏi ôn tập cho học sinh; kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh việc dạy và học kịp thời, hiệu quả.