Thái Nguyên: Hơn 2.800 tỷ đồng bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo

Tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề án đầu tư xây dựng có kinh phí dự kiến hơn 2.800 tỷ đồng nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.

Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề án đầu tư xây dựng bổ sung hơn 1.500 phòng học, trên 3.000 phòng học bộ môn và phòng phục vụ học tập; đồng thời đầu tư mua sắm thêm 550 bộ thiết bị tối thiểu mầm non, hơn 6.600 bộ thiết bị tối thiểu từ lớp 2 đến lớp 12... 

Chú thích ảnh
Điểm trường Khe Rịa (Trường Tiểu học Vũ Chấn, Võ Nhai) đã được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: thainguyen.gov.vn

Tổng kinh phí dự kiến dành cho đề án hơn 2.800 tỷ đồng; trong đó kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trên 2.200 tỷ đồng và kinh phí mua sắm thiết bị gần 600 tỷ đồng. 

Theo đề án mới được HĐND tỉnh thông qua, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình, tỉnh Thái Nguyên huy động, lồng ghép tất cả nguồn kinh phí hàng năm của Trung ương, địa phương và huy động nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Dự kiến, nguồn ngân sách Trung ương (trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu giáo dục miền núi vùng khó khăn...) chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu vốn; nguồn ngân sách tỉnh dự kiến chiếm 25% tổng nhu cầu kinh phí; ngân sách huyện (bao gồm ngân sách tỉnh hỗ trợ theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, các chương trình, đề án được UBND tỉnh giao, nguồn vốn đầu tư phát triển, nguồn thu cấp quyền sử dụng đất...) chiếm 60% tổng nhu cầu kinh phí và 5% nhu cầu kinh phí huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo phân kỳ đầu tư, riêng trong năm 2021, tỉnh Thái Nguyên bố trí khoảng hơn 430 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó nguồn xây dựng cơ sở vật chất hơn 244 tỷ đồng và mua sắm thiết bị dạy học trên 186 tỷ đồng...

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết hiện tỉnh có 683 trường mầm non và phổ thông. Để đáp ứng các điều kiện và nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên đã xây mới, sửa chữa hơn 5000 phòng học, gần 2.300 phòng bộ môn và các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí thực hiện hơn 3.900 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở vật chất trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn đạt hơn 70% và số trường học các cấp đạt chuẩn Quốc gia đạt tỷ lệ khoảng 84%.

Với tỷ lệ tăng dân số bình quân của Thái Nguyên là 1,36%/năm, dự báo đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thiếu gần 500 phòng học mầm non, 468 phòng học cho học sinh tiểu học, 548 phòng học cho cấp Trung học Cơ sở, 64 phòng học Trung học Phổ thông, chưa kể các phòng học bộ môn và các công trình phục trợ cho tết cả các cấp học. Do vậy, việc tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, xây mới các lớp học còn thiếu, mua sắm kịp thời thiết bị dạy học đáp ứng là yêu cầu cấp thiết để thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Thầy và trò vùng xanh Côn Đảo hào hứng bắt đầu năm học mới
Thầy và trò vùng xanh Côn Đảo hào hứng bắt đầu năm học mới

Được sự đồng ý của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 6/9, gần 2.000 học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn huyện Côn Đảo đến trường, bắt đầu bước vào năm học mới 2021 - 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN