Năm học mới online: Vẫn câu chuyện nghẽn mạng

Sáng 6/9, học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến. Tình trạng nghẽn mạng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Con khóc vì ... không nhìn thấy bài của cô giáo

Sáng 6/9, chị Nguyễn Hợp (ở Hoài Đức, Hà Nội) có hai con học trực tuyến, trong đó có một con là học sinh lớp 1, chia sẻ: “Tình trạng nghẽn mạng khiến các con không thể nghe cô giảng, nhiều đứa trẻ bật khóc. Chưa hết, nhiều nhà hàng xóm không thể vào mạng được, thấy gia đình tôi kết nối được nên đã cho con sang học nhờ. Cuối cùng,  dù vào được lớp học trực tuyến nhưng không ai nghe rõ giáo viên giảng gì. Lũ trẻ nhao nhao cả buổi sáng mà chưa đứa nào học được bài”.  

Chú thích ảnh
Học sinh nhiều nơi sẵn sàng cho buổi học trực tuyến sáng 6/9. Ảnh: Viết Tôn

Chị Nguyễn Hợp cho biết, tình trạng này xảy ra với nhiều học sinh trong lớp của hai con.  

Học sinh Nguyễn Tú Tuấn (học lớp 7, quận Ba Đình, Hà Nội) vào mạng internet rất sớm để chuẩn bị vào lớp học online. Nhưng khi vừa vào được phòng zoom thì em liên tục bị thoát ra. “Trong suốt 45 phút, học sinh phải thoát ra rồi lại đăng nhập vào lớp học nhiều lần khiến việc học của chúng em rất khó khăn”, Nguyễn Tú Tuấn chia sẻ.  

Chị Nguyễn Thị Hà có con học lớp 1 trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết, con không thể tập trung cả một buổi sáng khi mạng liên tục “rớt”. “Vừa làm việc, vừa hỗ trợ con học trực tuyến trong tình trạng không ổn định của internet khiến tôi cũng bị ảnh hưởng tâm lý”, Chị Hà nói.  

Theo phản ánh của giáo viên, nhiều trường công lập đang dạy học qua phần mềm zoom vì được miễn phí. Nhưng số lượng học sinh học cùng lúc quá đông, phần mềm bị quá tải, dẫn tới tình trạng như trên. 

Không chỉ trường công lập, sáng 6/9, học sinh trường tư thục học trên phần mềm microsoft teams mạng internet cũng bị chậm. Lúc đầu việc vào lớp học rất khó khăn với cả giáo viên và học sinh.  

Sẽ giúp giảm thời gian tương tác màn hình online   

PGS TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT) cho biết: "Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này. Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này".

Tình trạng "rớt mạng" không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà ở TP Hồ Chí Minh cũng khá phổ biến. Tại buổi toạ đàm "Năm học mới trong đại dịch" do báo Người lao động tổ chức chiều 6/9, rất nhiều câu hỏi về tình trạng nghẽn mạng của phụ huynh tại TP Hồ Chí Minh được đặt ra với lãnh đạo ngành.  

Chị Hoa Hồng (quận Phú Nhuận) cho biết: “Sáng 6/9, con tôi rất cố gắng để tham gia phần mềm K12 online của nhà trường gửi nhưng rất chập chờn, thầy cô giáo cũng không thể vào được nên giờ học liên tục bị gián đoạn”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sở có mạng lưới là trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, cập nhật tình hình thường xuyên. Do đó, ngay sáng nay, khi có sự cố quá tải đường truyền, Sở đã nắm được thông tin ngay lập tức. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã trao đổi với Công viên phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%”.  

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, sáng 6/9, cả triệu học sinh cùng vào học nên đây là tình huống chúng tôi đã lường trước và khắc phục ngay. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với Sở Thông tin Truyền thông để nâng cấp đường truyền theo hướng lâu dài. Hiện nay mỗi trường học đều có 2 đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ sử dụng đường truyền còn lại.

 “Thực tế, không phải ngày nào cũng online, thời gian tự học của học sinh cũng rất nhiều. Chúng tôi đã chỉ đạo tiết học online phải cô đọng, không như tiết dạy trực tiếp, có hướng dẫn trước tiết dạy nên học sinh không phải lúc nào cũng phải ngồi trên mạng”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.  

Trao đổi về vấn đề học trực tuyến nhân dịp đầu năm học mới, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Trước đây, chúng tôi đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là  không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu".

"Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu", PGS TS Nguyễn Xuân Thành cho biết. 

Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến tren internet và truyền hình và tới đây Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với địa phương tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin… Như thế, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc sách giáo khoa từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho chúng tôi biên soạn tài liệu này, trong tuần này hoặc tuần tới, chúng tôi sẽ gửi các thày cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học”, PGS TS Nguyễn Xuân Thành nói.  

Chú thích ảnh
Lê Vân/Báo Tin tức
Khan hàng máy tính, laptop phục vụ học sinh học trực tuyến
Khan hàng máy tính, laptop phục vụ học sinh học trực tuyến

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên năm học 2021-2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải tổ chức khai giảng và dạy học trực tuyến (online) tại nhà đối với tất cả các cấp học (trừ mầm non).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN