Khan hàng máy tính, laptop phục vụ học sinh học trực tuyến

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên năm học 2021-2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải tổ chức khai giảng và dạy học trực tuyến (online) tại nhà đối với tất cả các cấp học (trừ mầm non).

Chính vì thế, mặt hàng máy tính, laptop đang được các bậc phụ huynh tìm mua nhiều nhất trong thời điểm hiện nay. Nhưng hiện nay việc tìm mua mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Khách hàng lựa chọn mua laptop tại một cửa hàng điện máy trên địa bàn thành phố Bà Rịa (ảnh chụp trước thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội). 

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch nên Bà Rịa-Vũng Tàu đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTG, hầu hết các cửa hàng bán máy tính, laptop trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19.

Liên lạc với một số cửa hàng, đại lý bán hàng máy tính, laptop trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số dòng máy bán chạy, khách vẫn phải đặt cọc để khi hết giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh mới được nhận hàng. Một số loại vẫn phải tiếp tục chờ ngay cả khi hết giãn cách vì khan hiếm. Các nhà bán lẻ thừa nhận, một số mẫu laptop đang có nguy cơ thiếu hụt hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung đang gặp trục trặc do dịch COVID-19. Thông thường, tồn kho máy tính của các nhà bán lẻ luôn khá lớn bởi hoạt động kinh doanh buộc phải nhập gối đầu nhiều mẫu cũ, mới liên tiếp nhưng thời điểm này do dịch bệnh kéo dài nên với nhiều dòng máy, khách phải đặt cọc tiền trước chờ hàng về.

Theo nhân viên các cửa hàng kinh doanh điện máy trên địa bàn tỉnh như: Chợ Lớn, Thế giới Di động, Điện Máy Xanh, FPT…, mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng gọi điện thoại đến cửa hàng hỏi, tham khảo và đặt mua chủ yếu là phụ huynh, học sinh nhưng cũng không có máy để giao.

Công ty Scom, đơn vị chuyên cung cấp thiết bị vi tính, cho biết thời điểm hiện nay các phụ huynh đặt mua máy tính cho con học trực tuyến, giá từ 15 - 20 triệu rất nhiều. Cả công ty có gần 10 cái đã bán hết từ lâu. “Do máy tính xách tay không phải là mặt hàng thiết yếu nên các đơn vị cung cấp không chở hàng xuống giao được. Hiện công ty còn nhiều máy tính xách tay nhưng giá mỗi cái đều cao”, nhân viên công ty cho hay.

Các dòng máy được đưa ra thị trường chủ yếu của các hãng như: Acer, Dell, Asus, HP... có giá từ 10 - 17 triệu đồng tùy loại. Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm dịch bệnh, nhiều người, nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp lo bữa ăn hàng ngày nên đây đang là nỗi lo rất lớn của nhiều phụ huynh và học sinh khi bước vào năm học mới. Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa cho biết, chị bán vé số đã thất nghiệp hơn 2 tháng qua, hiện chị đang có con trai năm nay học lớp 9. Tuy nhiên, sắp đến năm học mới con phải học online mà chị vẫn không có đủ tiền mua máy tính cho con học.

Nhiều phụ huynh thì lại lo lắng vì không thể ra ngoài mua máy tính cho con được vì các cửa hàng đều đã phải tạm đóng cửa vì đang thực hiện Chỉ thị 16, gọi điện tới đặt mua thì nhân viên kêu hết hàng.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, ngành giáo dục đã chủ động các điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, đến nay qua thống kê, số học sinh Tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến khá nhiều. Tổng số học sinh Tiểu học trong năm học 2021-2022 khoảng 115.563 học sinh, hiện có khoảng 11.230 học sinh bậc học này đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Do đó, Sở đã phải đề xuất UBND tỉnh cho lùi thời gian học trực tuyến của học sinh Tiểu học tới ngày 20/9 để bảo đảm các điều kiện cho các em học trực tuyến.

Trước thực trạng đó, hiện nay các địa phương đang vận động kêu gọi cộng đồng xã hội hỗ trợ máy tính, điện thoại cho các trường hợp khó khăn trên để các em có đủ điều kiện để tham gia học tập trực tuyến.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN