Năm nay, lứa tuổi “Rồng vàng” (sinh năm 2012) bắt đầu vào lớp 1 nên số học sinh vào đầu cấp tiểu học tăng đột biến khiến áp lực trường, lớp càng nặng hơn đối với các quận vùng ven, nơi có quá trình đô thị hóa nhanh như quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9.
Tăng sĩ số, giảm lớp học bán trú
Sau ngày tựu trường, một phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học Trường Thạnh (quận 9) giật mình khi thấy con mình phải ngồi học bằng ghế nhựa không có tựa và không chỗ để đồ dùng học tập. Phụ huynh này bức xúc nói: “Học sinh phải học trên bàn inox và phải ngồi ghế nhựa không có chỗ dựa, ngồi như vậy sao chúng học hành được gì. Nhìn cái lớp giống cái nhà ăn hơn”.
Đại diện nhà trường cũng đã xác nhận có tình trạng phản ánh trên nhưng chỉ có một lớp và đó chỉ là giải pháp tạm thời, chậm nhất hết tháng 8 nhà trường sẽ có bàn ghế cho các bé. Được biết, năm nay trường tiểu học Trường Thạnh tăng thêm 4 lớp so với năm học trước và để có đủ chỗ học cho học sinh, nhà trường đã phải đập 2 phòng nghỉ của giáo viên, tận dụng luôn phòng hội đồng, phòng tiếng Anh làm lớp học.
Bình Tân là một trong những quận ngoại thành của TP Hồ Chí Minh có số học sinh tăng nhiều nhất trong năm học này. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm học mới quận tiếp nhận 16.000 học sinh tiểu học, tăng thêm 4.000 so với năm trước. Số học sinh lớp 1 quá tải ở nhiều phường, điển hình như phường Bình Trị Đông B có hơn 800 học sinh vào lớp 1 nhưng phường không đáp ứng đủ. Do tình hình học sinh quá tải, Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định cho những em học sinh hộ khẩu tại phường Bình Trị Đông B chuyển sang học tại các phường lân cận như phường An Lạc, phường Tân Tạo...
Còn tại quận 12, số học sinh tiểu học cũng tăng lên 3.100 học sinh, tuy có ít hơn quận Bình Tân nhưng ngành giáo dục của quận này cũng phải “cân não” giải bài toán đảm bảo chỗ học cho học sinh. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho hay, mỗi năm quận đều gia tăng học sinh mới. Để giải quyết bài toán làm sao cho các em có đủ chỗ học, các trường đã nâng sĩ số học sinh lên cao, vượt chuẩn quy định. Hiện nay, nhiều trường có sĩ số học sinh lên tới 50 - 56 học sinh/lớp trong khi theo quy định là mỗi lớp chỉ 45 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày bị giảm. Nếu như năm học trước là 24,2% thì năm học này chỉ còn 21% học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Tương tự, quận Tân Phú có sĩ số học sinh ở các trường dao động ở mức 49-50 học sinh/lớp. Đây là giải pháp bắt buộc trong điều kiện học sinh quá đông, nhưng quận vẫn phải đảm bảo tất cả các em đều có chỗ học.
Trước những bất cập trên, mới đây, tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thừa nhận, sĩ số học sinh trong 1 lớp quá đông, đặc biệt học sinh học lớp 1 buổi chắc chắn hoạt động giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Để học sinh không thiệt thòi, ông Hiếu cho biết: “Sở sẽ cố gắng có những giải pháp để cho giáo viên tổ chức các hoạt động vào ngày thứ 7. Như hiện nay, những lớp đông học sinh, giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động tập thể, hướng dẫn học sinh tự ôn tập và bổ sung, củng cố kiến thức thêm trong các buổi 2; tổ chức hoạt động nhằm hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh…”.
Đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh
Với chủ trương đảm bảo đủ chỗ học, ngay đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã đưa 882 phòng học mới vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 2.336 tỷ đồng. Riêng công tác sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, đối với khối quận, huyện được cấp hơn 328 tỷ đồng.
Dù đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới, nhưng theo các quận, huyện với số phòng học này chỉ có thể đáp ứng được số học sinh gia tăng cơ học chứ chưa giải quyết được nhu cầu học bán trú của phụ huynh. “Số phòng học xây mới hàng năm cũng chỉ giải quyết được một phần chỗ học cho học sinh tăng cơ học theo từng năm. Để đảm bảo cho trẻ vào lớp 1 được đi học, chỉ có cách là giảm số lớp học 2 buổi/ngày, giảm chương trình học bán trú, tăng sĩ số các lớp. Nếu như năm trước quận có 42% học sinh tiểu học được học bán trú thì năm nay số này có thể giảm từ 5-7% ”, ông Tuyên cho biết thêm.
Năm học 2018 – 2019, TP Hồ Chí Minh có 1.677.581 học sinh, tăng 67.234 em. Trong đó tập trung vào bậc mầm non tăng 20.225 học sinh và bậc tiểu học tăng 26.812 em. Tình hình gia tăng tập trung tại những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh kéo theo dân số tăng cơ học cao. Tính riêng học sinh không có hộ khẩu tại thành phố, trung bình mỗi năm tăng khoảng 15.000 em.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, cùng với giải pháp tình thế tăng sĩ số lớp, giảm lớp bán trú, giải pháp lâu dài của thành phố vẫn là quy hoạch tổng thể hệ thống trường lớp. Hàng năm, thành phố dành 25% tổng chi ngân sách chi thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo, trong đó ưu tiên chi cho công tác xây dựng trường lớp. Mỗi năm, thành phố đưa vào sử dụng cả ngàn phòng học mới để đáp ứng nhu cầu học sinh. Dù tăng hàng chục ngàn học sinh mỗi năm, chủ trương của thành phố vẫn đảm bảo đủ 100% chỗ học cho con em nhân dân thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân.
Lê Hồng Sơn cho biết thêm, năm học này, Sở tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ các thiết bị dạy học thiết yếu, hệ thống hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Giáo viên và học sinh được dạy và học bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm đảm bảo phát triển năng lực bản thân một cách toàn diện.