Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019 - Bài 1: Gấp rút xóa điểm 'nóng'

Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, toàn ngành giáo dục đang đứng trước nhiều “điểm nóng” như: áp lực về sĩ số học sinh/lớp ở khu vực thành thị; thiếu sách giáo khoa ở nhiều nơi; cơ sở vật chất, trường học, giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ...

Ngổn ngang về cơ sở vật chất

Năm học 2018 - 2019, số lượng học sinh vào lớp 1 và lớp 9 tăng đột biến. Nguyên nhân được chỉ ra với quan niệm trẻ sinh năm “Đinh, Nhâm, Quý thì tài” nhiều gia đình đã chọn năm nay để sinh con.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD -ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường, tăng 109.930 học sinh). Trong đó, khối công lập có 2.182 trường, 1.734.596 học sinh và khối tư thục có 507 trường với 252.213 học sinh...

Đáng chú ý số trẻ vào lớp 1 của Hà Nội sẽ tăng khoảng 20.000 em, số trẻ vào lớp 6 tăng 11.000 em và số trẻ vào lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm. Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh tăng 19.500 học sinh so với năm trước nhưng các trường phân bố không đồng đều đang tạo ra tình trạng một số trường, sĩ số học sinh là 60 - 70 học sinh/lớp. Nhiều trường chỉ nhận học sinh đúng tuyến thôi đã không đủ chỗ ngồi cho các em.

Đơn cử như quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang trong quá trình đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh nên việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp được quận quận quan tâm. Năm học 2018-2019, quận Cầu Giấy có 92 trường (công lập 35 trường; ngoài công lập 57 trường) với 68.533 học sinh. Khối tiểu học có 21 trường với hơn 28.600 học sinh; THCS có 20 trường với hơn 21.000 học sinh. Toàn quận tăng 3 trường với 2.760 học sinh so với năm học trước.

Chú thích ảnh
Lớp học tại trường THCS Nghĩa Tân

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Trước năm học mới, quận đã chỉ đạo các phòng ban tiến hành rà soát cơ sở vật chất các trường cải tạo 14 trường học liên quan đến nhà vệ sinh, sửa chữa hạng mục xuống cấp, làm lại lan can, vỉa hè…. Bên cạnh đó, Phòng GD -ĐT phối hợp cùng phòng Tài chính - Kế hoạch triển khai mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường phục vụ khai với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng Theo thống kê, năm học này, học sinh vào lớp 1 tại địa bàn tăng 1.000 học sinh và lớp 6 tăng khoảng 800 học sinh so với năm học trước nhưng tất cả học sinh đều được bố trí nhận đủ vào các lớp học trên địa bàn.

Trong khi đó, các tỉnh như: Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Nghệ An, bão lũ đã cuốn trôi nhiều sách vở, bàn ghế ở nhiều điểm trường... Năm học mới đã liền kề nhưng mọi thứ chuẩn bị vẫn đang còn nhiều ngổn ngang.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD - ĐT Lai Châu cho biết: Sau đợt mưa lũ tháng 6,7,8/2018 trên địa bàn Lai Châu có 23 trường bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ. Hầu hết các trường đều hư hỏng về tường rào và một số tài sản. Đặc biệt điểm trường Phìn Khò thuộc trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mù Cả bị thiệt hại nặng về tài sản, giá trị khoảng gần 1,5 tỷ đồng.

Ngành giáo dục đang cùng với các địa phương khắc phục những hệ lụy này. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Phú Thọ cho biết: “Vừa qua các huyện Tân Sơn, Tam Nông của tỉnh Phú Thọ cũng ảnh hưởng khá nặng nề của cơn bão số 3. Ngành giáo dục chỉ đạo các đơn vị dọn dẹp vệ sinh môi trường, trường lớp học, rà soát lại thiết bị đã hư hỏng. Từ đó, các phòng GD - ĐT tham mưu cấp quản lý, tập trung quản lý cải tạo mua sắm mới; vận động các đơn vị ủng hộ những trường học bị bão lũ. Về cơ bản đã ổn định được để thầy cô và học sinh đón năm học mới”.

Còn ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD - ĐT Lai Châu cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành đã cơ bản đáp ứng về thiết bị dạy học tối thiểu cho việc giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, một số thiết bị đã cấp từ nhiều năm học trước đã hết hạn sử dụng, hỏng hóc nhiều cần được thay thế, bổ sung. Công đoàn ngành giáo dục đã phối hợp với Sở GD - ĐT, Hội cựu giáo chức tỉnh tổ chức thăm, hỏi động viên kịp thời các gia đình nhà giáo, học sinh bị thiệt hại trong trận lũ với qua với số tiền hơn 112 triệu đồng”.

Lãnh đạo Sở GD - ĐT Lai Châu cũng đề nghị Bộ GD - ĐT kiến nghị với Chính phủ bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ học sinh các xã vùng II thuộc hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ nhà trẻ; bố trí đầu tư các công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định.

Ngay tại vùng ngập lụt tại Hà Nội, Sở GD - ĐT Hà Nội đã hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho 2 trường của huyện Quốc Oai và 5 trường huyện Chương Mỹ 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ 35 cán bộ giáo viên, nhân viên bị thiệt hại do mưa lũ mỗi người 2 triệu đồng; Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 5 trường của huyện Chương Mỹ mỗi trường 20 triệu đồng...

Về các vấn đề cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD - ĐT cho biết: Để giải quyết việc tăng dân số cơ học thì các địa phương làm tốt công tác tăng trưởng kinh tế xã hội, dân số, dành kinh phí để đầu tư và thành lập mới cơ sở giáo dục. Trước mắt các cơ sở giáo dục cùng với chính quyền cải tạo sửa chữa trường lớp hiện có đáp ứng yêu cầu tối thiểu để đón nhận học sinh. Hà Nội là điểm nóng khi sĩ số một số địa bàn gần 70 học sinh/lớp thì sớm đầu tư cơ sở vật chất. Một số trường đã tận dụng dồn phòng làm việc của giáo viên.

“Vào năm 2009 khi đợt lũ chồng lũ của hơn 10 tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn trường lớp, ngành giáo dục và các địa phương đã dựng kế hoạch phòng chống thiên tai của nhà trường. Các địa phương nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, làm tốt công tác tại chỗ cho nhà trường; thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng, kiên cố hóa trường học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ cho các vùng khó khăn và bão lũ. Đến thời điểm này, cơ bản cơ sở vật chất ở những vùng sâu, xa ở những vùng bị bão lũ đã được khắc phục, kiên cố hóa tương đối tốt. Nhìn chung những thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm rất nhiều so với trước”, ông Phạm Hùng Anh cho biết.

Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo khắc phục những thiệt hại do lũ lụt, đặc biệt dọn dẹp vệ sinh môi trường. Bộ tổ chức những đoàn đi thăm hỏi động viên hỗ trợ cho những vùng bị thiên tai; nỗ lực làm sao để giáo viên, người dân, các cơ sở giáo dục đã khắc phục khá nhanh để các cơ sở giáo dục đi vào hoạt động bình thường.

Khắc phục thiếu sách giáo khoa

Điểm nóng thiếu thứ hai được nhắc đến trước thềm năm học mới là thiếu sách giáo khoa, tập trung ở lớp 1, lớp 6 và lớp 9. Việc thiếu sách diễn ra ở những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...

Chú thích ảnh
Ngày 28/8/2018, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới và thăm hỏi, tặng quà cho các trường bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/ TTXVN

Lý giải về nguyên nhân này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) cho biết: “Năm nay có sự đột biến số lượng học sinh các lớp đầu cấp, đặc biệt ở các thành phố lớn. Việc thiếu là thiếu ở một vài đầu sách trong bộ sách giáo khoa và diễn ra ở những cửa hàng nhỏ không trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục. Nguyên nhân nữa là do thông tin sắp thay sách giáo khoa mới mà một số công ty, địa phương đặt ít hơn. Nhiều gia đình ở thành phố mua 2 bộ sách giáo khoa cho 1 con em của mình, 1 bộ ở trường, lớp, còn 1 bộ ở nhà. Phần nữa là do nhiều phụ huynh chưa phân biệt được sách giáo khoa và sách tham khảo. Do đó, khi tìm sách giáo khoa của nhà xuất bản khác thiếu thì lại phản ánh là của nhà xuất bản giáo dục”.

Về vấn đề thiếu sách giáo khoa, ông Phạm Hùng Anh cho biết: Trước phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng thiếu sách giáo khoa cục bộ ở một số đầu sách và lớp đầu cấp vừa qua, Bộ đã chỉ đạo NXBGD rà soát, nắm bắt ngay tình hình, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Bộ đã chỉ đạo NXBGD phải khẩn trương cung ứng đủ sách giáo khoa theo nhu cầu của học sinh, dù ở địa bàn nào, trước năm học mới, chấm dứt ngay tình trạng thiếu sách giáo khoa.

NXBGD đang chủ động cung ứng bổ sung các đầu sách giáo khoa còn thiếu, đặc biệt là các sách lớp 1, lớp 6, lớp 10 để phục vụ nhu cầu khách hàng. Hiện các đầu sách giáo khoa lớp 1 đã có đầy đủ tại hệ thống các cửa hàng của NXBGD tại Hà Nội và một số địa phương. Các đầu sách còn thiếu ở lớp 6, lớp 10 đang tiếp tục được nhanh chóng chuyển tới các cửa hàng để phục vụ nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Đơn vị cũng dự trữ một số lượng sách giáo khoa nhất định tại các cửa hàng, siêu thị thuộc đơn vị thành viên của NXBGD để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát sinh về sách giáo khoa. Tại những khu vực thiếu sách cục bộ, NXBGD huy động các nguồn cung ứng bổ sung.

“Bên cạnh đó, NXBGD còn lập nguồn sách giáo khoa dự phòng để có thể kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai lũ lụt. NXBGD đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu về sách giáo khoa của các em học sinh cả nước trước năm học mới”, ông Phạm Hùng Anh khẳng định.

Lê Vân- Xuân Cường/ Báo Tin Tức
Hà Nội vẫn tiếp tục mở rộng thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài
Hà Nội vẫn tiếp tục mở rộng thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài

Trong năm học 2018-2019 TP Hà Nội sẽ mở rộng mô hình song bằng ra 7 trường THCS và 1 trường THPT nhằm nâng cao tính chủ động trong hoạt động hợp tác quốc tế trong cơ sở giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN