Theo đó, năm học 2018-2019, nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên là tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập; tăng cường quản lý đối với trung tâm ngoại ngữ, tin học; đổi mới công tác quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Các cơ sở giáo dục thường xuyên cần đa dạng hóa các chương trình, nội dung và hình thức tổ chức dạy học, chú trọng phát triển chương trình bồi dưỡng ngắn hạn thiết thực và hiệu quả để thu hút nhiều người đến học. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực người học.
Để thúc đẩy phong trào xã hội học tập, các trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các lực lượng xã hội, các cơ quan truyền thông tuyên truyền vận động toàn dân tích cực tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phối hợp với Hội Khuyến học xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập. Các địa phương kịp thời biểu dương gương sáng tự học để lập thân, lập nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng công việc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Để triển khai hiệu quả Đề án xóa mù chữ, các trung tâm giáo dục thường xuyên tiếp tục điều tra, cập nhật thông tin về người mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo đúng quy trình, thời gian quy định; xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, tham mưu hỗ trợ kinh phí cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Các trung tâm tích cực vận động người trong độ tuổi 15-60 tham gia học các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; đảm bảo duy trì, củng cố chuẩn xóa mù chữ ở mức độ 1, nâng chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đối với địa bàn thuận lợi. Đặc biệt, chú trọng xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên cần tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các trung tâm trên địa bàn, trên cơ sở đó, tham mưu với UBND cấp tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi trung tâm. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; chú trọng việc tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới, về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Các trung tâm học tập cộng đồng thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động nhằm chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp hoạt động hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Các trung tâm ngoại ngữ, tin học tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động, đảm bảo theo đúng quy chế và các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức và người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc tổ chức hoạt động, liên kết đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học và đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.