Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn trong trường học.
Theo đó, để ngày khai giảng diễn ra an toàn, các trường phải đặc biệt quan tâm đến khu vực sân khấu, nơi học sinh ngồi dự lễ khai giảng. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ đường điện, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, lan can, tường rào trường học…
Riêng vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, Sở yêu cầu các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú phải mua thực phẩm tại những đơn vị được ban Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm nghiệm và có giấy công nhận thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Những đơn vị này phải được niêm yết trên trang web của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.
“Hiệu trưởng các trường phải thông báo cho phụ huynh biết nguồn thực phẩm mình sử dụng là của những đơn vị nào để phụ huynh có cơ sở giám sát xem có phải là những đơn vị được công bố trên trang web của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh hay không”, bà Thu cho biết.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, ngoài đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm, các trường phải hướng đến đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt là học sinh mầm non ở những nhóm trẻ, nhóm lớp tư thục, đây là những cơ sở có nhiều nguy cơ bạo hành học sinh. Đối với các trường THCS, THPT mỗi trường phải có giáo viên chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý, để học sinh có thể chia sẻ những bức xúc, hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Sở cũng lưu ý các cơ sở giáo dục xây dựng các biện pháp nhằm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực học đường; ngăn chặn kịp thời tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau trong và ngoài trường học; phát huy vai trò của giáo viên tư vấn học đường trong các hoạt động giáo dục của đơn vị.