Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng cho biết: Công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt. Đặc biệt, các chế độ đối với cán bộ quản lý, giáo viên và chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số được ưu tiên và thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định.
Năm học 2022-2023, tại tỉnh Sóc Trăng, số học sinh dân tộc thiểu số đang theo học là 98.963/267.664 em, chiếm gần 37% tổng số học sinh toàn tỉnh; trong đó có 84.974 học sinh dân tộc Khmer (chiếm 31,75%), 13.787 học sinh dân tộc Hoa (chiếm 13,93%), học sinh dân tộc khác là 202 em (chiếm 0,24%).
Hệ thống các trường Phổ thông dân tộc nội trú (chủ yếu dạy con em đồng bào Khmer) tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Sóc Trăng hiện có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú với 102 lớp, 3.409 học sinh; có 134 trường phổ thông tổ chức dạy chữ Khmer, với 1.625 lớp, cho 44.509 học sinh. Bên cạnh đó, tỉnh có 4 trường phổ thông ngoài công lập dạy song ngữ Việt - Hoa với 51 lớp, cho 1.625 học sinh.
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác dạy và học chữ cho học sinh dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng phối hợp với Ban Dân tộc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, Sóc Trăng đã chi hơn 3,2 tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND.
Lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh chia sẻ, Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND là chính sách đặc thù riêng có của địa phương, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đến người dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các điểm chùa và cơ sở giáo dục ngoài công lập; góp phần bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục Sóc Trăng sẽ tham mưu với tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người dạy chữ và tiếng của đồng bào dân tộc.