Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga:

Sẽ công bố dự thảo quy định tự chủ đại học sớm

Trao đổi với PV báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Thời gian tới, việc tự chủ trong các trường ĐH sẽ không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa, mà là bắt buộc, trong đó có vấn đề tuyển sinh.

Xin Thứ trưởng cho biết, phương án tuyển sinh 2017 sẽ theo định hướng nào? 

Năm 2017, các trường đại học có thể tuyển sinh 2 đợt thi với nhiều phương thức khác nhau. Bộ GD - ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và công bố công khai cho dư luận. Ngoài ra, các trường đại học có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm. 

Sẽ có 4 phương thức tuyển sinh các trường đại học có thể áp dụng. 

Thứ nhất, các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Đồng thời công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, phải dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D). Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD - ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh… Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

Thứ hai, các trường sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.

Thứ ba, các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT. Với phương thức này, các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). 
Cuối cùng là phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh.

Xin Thứ trưởng cho biết thời điểm các trường công bố phương án tuyển sinh riêng? Việc tự chủ tuyển sinh nói riêng và tự chủ đại học của các trường sẽ được thể hiện rõ trong năm tới như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có thời hạn các trường công bố phương án, bởi chưa có quy chế tuyển sinh 2017. Bộ sẽ bàn thảo và sớm đưa ra quy chế, trong đó sẽ quy định ngày cụ thể để các trường công khai phương án. 

Dự thảo Nghị định về tự chủ đại học đang được xây dựng, trong đó bổ sung thêm rất nhiều quyền tự chủ cho các trường, như quy định các trường có thể tự chủ từ đào tạo, mở ngành, hợp tác quốc tế đến nhân sự, nghiên cứu khoa học, mức thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo đã cam kết… Khi Nghị định có hiệu lực, thì việc tự chủ trong các trường ĐH không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa mà là bắt buộc, trong đó có vấn đề tuyển sinh. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Vân
Vẫn chưa sẵn sàng với tự chủ tuyển sinh
Vẫn chưa sẵn sàng với tự chủ tuyển sinh

Khẳng định của một lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo: Tự chủ đại học (trong đó bao gồm cả tự chủ tuyển sinh) sẽ trở thành bắt buộc với các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trong thời gian không xa tới đây, khi Nghị định về tự chủ đại học được chính thức ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN