Vẫn chưa sẵn sàng với tự chủ tuyển sinh

Khẳng định của một lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo: Tự chủ đại học (trong đó bao gồm cả tự chủ tuyển sinh) sẽ trở thành bắt buộc với các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) trong thời gian không xa tới đây, khi Nghị định về tự chủ đại học được chính thức ban hành.

Tuy nhiên, đến nay xem ra hầu hết các trường vẫn chưa mặn mà gì với việc tự chủ tuyển sinh, vẫn trông chờ vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (THPT). Đã đến lúc các trường cần tăng tốc hơn nữa trong hành trình tự chủ này.

HIẾM HOI PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH RIÊNG

Dù được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) “bật đèn xanh” cho phép xây dựng phương án tuyển sinh riêng, nhưng rất nhiều trường đại học (ĐH) vẫn chọn giải pháp lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, phương án tuyển sinh 2017 của nhiều trường dự kiến không có nhiều thay đổi.

3 năm vẫn chờ “thi chung”

Vài năm trở lại đây, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH đã được Bộ GD - ĐT thực hiện. Đó là các trường phải có đề án tuyển sinh riêng gửi về Bộ và thông tin rộng rãi về vấn đề này. Thể hiện rõ nhất là mùa tuyển sinh vừa qua, Bộ GD - ĐT đã nhận được gần 400 đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH. Nhưng trên thực tế, chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức được một kỳ tuyển sinh riêng và đã có những thành công nhất định. Dự kiến, năm 2017, trường tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề thi, tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và nếu trường nào có nguyện vọng sử dụng kết quả của trường, sẽ vẫn thực hiện như năm 2016.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục năm 2017. Ảnh: QT

Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2016 vừa kết thúc có thể thấy, hầu hết các trường vẫn chọn phương án lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mà không đưa ra phương án tuyển sinh riêng của mình. Điểm mới trong kỳ thi năm 2016 là việc một nhóm trường đại học lớn tại Hà Nội liên kết thành nhóm GX để thuận tiện cho việc xét tuyển, cụ thể là chống ảo. Tuy nhiên, giải pháp nhóm trong xét tuyển chỉ có tác dụng 100% khi đồng loạt các trường ĐH, CĐ trong cả nước tham gia vào nhóm này. Chính vì vậy, kết thúc mùa tuyển sinh, tình trạng ảo diễn ra nhiều hơn cả năm trước. Lần đầu tiên, hàng loạt trường ĐH lớn phải xét tuyển đến đợt 2, mà nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu khi kết thúc tuyển sinh.

Sau khi phương án tuyển sinh 2017 được đưa ra, nhiều trường đã rục rịch với phương án tuyển sinh của mình.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đang xây dựng phương án tuyển sinh năm 2017. Dự kiến vẫn là lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, có thêm các điều kiện sơ tuyển và các điều kiện của ngành khác nhau. Đặc biệt, trường vẫn chủ trì nhóm GX khi xét tuyển và phương án xét tuyển sẽ được các trường họp bàn tính toán khi quy chế tuyển sinh 2017 được Bộ GD - ĐT ban hành.

Các trường như ĐH Thái Nguyên, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, Học viện Ngân hàng cho biết, căn cứ vào thực tế tuyển sinh 2016 thì năm 2017, trường vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Do chưa công bố quy chế tuyển sinh nên các trường vẫn chưa hoàn hiện được phương án. Chưa trường nào ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định sẽ tự chủ tuyển sinh trong năm 2017.

Loay hoay tự chủ tài chính

Trong những năm trước đây, dù các trường tổ chức tuyển sinh theo “ba chung”, nhưng hầu hết phải bù lỗ. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết, nhà trường phải chi hàng trăm triệu đồng bù lỗ cho tuyển sinh mỗi năm. Với các trường ĐH khác, có trường bù lỗ tới 300 - 400 triệu đồng. Giờ đây, nếu tuyển sinh riêng, thì mức bù lỗ sẽ tăng lên rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Quang Kim, lấy kết quả kỳ thi chung, các trường sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn, lại phần nào khách quan; nên các trường vẫn “bám” theo phương án này.

“Ít nhất, kết quả đánh giá này các trường có thể sử dụng để tuyển sinh đầu vào. Bước tiếp theo sẽ do các trường thực hiện, còn Bộ quản lý theo chỉ tiêu. Tuy nhiên, với tình hình tuyển sinh như năm vừa qua, ngay các trường ĐH lớn cũng tuyển thiếu so với chỉ tiêu. Ví dụ như ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển thiếu so với chỉ tiêu từ 8 - 10%. Dự kiến việc tuyển sinh ngày càng khó khăn, nguy cơ sáp nhập và đóng cửa nhiều trường là có thật trong mùa tuyển sinh tới. Chính vì vậy, cũng đã đến lúc phải tính đến việc tuyển sinh riêng để chọn thí sinh cho mình rồi”, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH phân tích.

Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH khác cũng băn khoăn: “Trường đủ khả năng để tổ chức một kỳ thi riêng, nhưng vấn đề là có nên tổ chức một kỳ thi riêng nữa không? Vì như thế sẽ tạo áp lực, gây tâm lý cho học sinh. Còn lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia, với phương thức tuyển sinh mới và còn một cụm thi do các Sở GD - ĐT chủ trì, trường cũng chưa thấy thật sự yên tâm là tuyển sinh được những thí sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo”.

Thực tế, quyền tự chủ của các đại học ngày càng được thể hiện rõ trong các luật định. Tuy nhiên, việc tự chủ tuyển sinh là khó khi các trường vẫn đang loay hoay với tự chủ tài chính. Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thực tế quá trình triển khai tự chủ vẫn gặp những tồn tại như việc thiếu cơ chế linh hoạt cho các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, cùng với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội; chưa có cơ chế thông thoáng nhằm khai thác cơ sở vật chất sẵn có với các hình thức hợp tác khai thác với các nhà đầu tư để tăng kinh phí phục vụ nghiên cứu… Do đó, nếu áp dụng tự chủ tuyển sinh, nhiều trường sẽ gặp khó khăn về tài chính.

GS Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT: Khó nhất vẫn là khâu làm đề thi trong tuyển sinh riêng. Lâu nay, Bộ GD - ĐT đã mời những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm nhất trong công tác làm đề thi, được tuyển chọn từ nhiều trường trong cả nước để làm việc này. Không phải trường nào cũng có thể đảm nhiệm được việc ra đề thi riêng. Do đó khi tự chủ thì các trường phải tự phối hợp với nhau để ra đề thi hoặc đề thi phải được lấy từ ngân hàng đề do Cục Khảo thí, hoặc một đơn vị nào đó có đủ uy tín và năng lực chuẩn bị. Việc làm ngân hàng đề thi là không dễ. Kinh nghiệm của các nước để làm một ngân hàng đề thi đòi hỏi rất tốn kém và cần thời gian để thực hiện trong vài ba năm. Không làm được việc này thì chất lượng tuyển sinh chắc chắn không đạt yêu cầu.


Lê Vân
Sẽ công bố dự thảo quy định tự chủ đại học sớm
Sẽ công bố dự thảo quy định tự chủ đại học sớm

Trao đổi với PV báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Thời gian tới, việc tự chủ trong các trường ĐH sẽ không chỉ là khuyến khích thực hiện nữa, mà là bắt buộc, trong đó có vấn đề tuyển sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN