Thông tư 17 của Bộ GD - ĐT về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) đã được thực hiện. Tuy nhiên nhiều địa phương khi xây dựng văn bản vẫn còn lúng túng và cho rằng chưa sát với thực tiễn.
Lúng túng trong quản lý
Vừa qua Sở GD - ĐT Hà Nội đã hai lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quy định về quản lý DTHT. Lãnh đạo Sở GD - ĐT khẳng định việc xây dựng văn bản quản lý DTHT nhìn từ góc độ nhu cầu của học sinh chứ không phải là quyền lợi giáo viên. Hà Nội cũng không cấp phép cho giáo viên tiểu học dạy thêm. Có nghĩa là những giáo viên này không thể dạy thêm ở các trung tâm được. Ở khối THCS và THPT không bị cấm hoàn toàn như bậc tiểu học nhưng yêu cầu giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa của mình. “Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh, tránh việc lạm dụng, thiếu khách quan khi vừa dạy trên lớp và dạy thêm học sinh của chính mình”. Tuy nhiên, thực tế triển khai không dễ vì nhiều giáo viên vẫn muốn dạy thêm chính học sinh của mình.
Một lớp học thêm cấp tiểu học. ảnh: CTV |
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho rằng, tại thông tư quy định về DTHT của Bộ GD - ĐT là trong khi cấm dạy thêm với học sinh tiểu học thì lại không cấm cấp phép cho các trung tâm dạy chương trình tiểu học. Đối với các nhu cầu trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ, lớp học kỹ năng, nghệ thuật, thể thao... sẽ không đưa vào quy định quản lý DTHT nhưng bắt buộc các trường phải có đề án và được cấp quản lý phê duyệt.
Đại diện phòng Giáo dục quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Phòng giáo dục không đồng tình với nhiều nội dung trong Thông tư 17, nhưng trước mắt phòng yêu cầu giáo viên các trường phải thực hiện nghiêm túc. Nếu có phản ánh giáo viên nào dạy thêm bên ngoài cho học sinh, phòng sẽ kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh đánh giá, về mặt quản lý, Thông tư 17 chưa thật sự ổn, có những vấn đề vừa đóng lại vừa mở như nhu cầu, đối tượng dạy và học nhằm hạn chế tiêu cực trong DTHT mà chưa đề ra được những giải pháp mang tính khả thi nên gây khó khăn cho các cấp quản lý cơ sở.
Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 17 còn nhiều bất cập nên rất khó thực hiện.
Theo đại diện Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh, về nội dung cấm DTHT đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày và không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, được hiểu là không được dạy thêm cả trong trường lẫn ngoài trường. Quy định như thế là không hợp lý bởi có thể không dạy thêm cả trong trường chứ không thể cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường. Bên cạnh đó, quy định này còn nêu cấm giáo viên công lập tổ chức dạy thêm, còn giáo viên ngoài công lập thì sao?
Cần giải pháp phù hợp
Trả lời về phân cấp trong việc quản lý DTHT, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong quy định Bộ nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, của địa phương. Vì vậy việc quản lý sẽ phải phối hợp theo đúng việc phân cấp, phân quyền. Không thể cứ không đưa ra được quy định lại hỏi đến trách nhiệm của Bộ. Trong việc phối hợp chỉ đạo này vai trò của Bộ là đưa ra quy định, còn UBND các tỉnh, thành phố là chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nơi nào để xảy ra tiêu cực DTHT nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tại một số TP lớn như: Đà Nẵng, Hải Phòng đã đưa ra mức kỷ luật đối với những giáo viên nếu vi phạm quy định. Ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Phòng trả lời tại phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố cho biết, tình trạng DTHT tràn lan sẽ được Sở siết chặt trong thời gian tới. Sở sẽ kiên quyết xử lý đối với những giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định. Cụ thể, với giáo viên vi phạm lần đầu sẽ bị kiểm điểm nghiêm khắc tại đơn vị, vi phạm lần 2 sẽ bị đình chỉ giảng dạy, nếu tái phạm thì sẽ phải thôi việc. Đồng thời, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu có giáo viên trong trường vi phạm quy định.
Theo quy định của Bộ GD - ĐT thì không dạy thêm cho các học sinh tiểu học nhưng ở nhiều trung tâm lưu trú của Đà Nẵng vẫn dạy. Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng thì các trung tâm lưu trú học sinh trông trẻ từ 12 giờ đến 5 giờ chiều. Nhưng nếu các em chỉ vui chơi không thì không ổn nên có trường hợp giáo viên đã tiến hành ôn tập cho học sinh. Đồng thời cũng có những giáo viên dạy chính học sinh lớp mình. Sở GD - ĐT Đà Nẵng đã xử lý hành chính giáo viên không có giấy phép, dạy thêm không đúng đối tượng và xử lý các trung tâm dạy thêm không có giấy phép. Đối với học sinh tiểu học, tuyệt đối không cho dạy thêm mà chỉ cho các trường dạy năng khiếu cho các em. Sắp tới UBND TP Đà Nẵng sẽ phân cấp trách nhiệm cho các quận, huyện xử lý triệt để vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh, nhằm siết chặt, quản lý và hạn chế tiêu cực trong DTHT, vừa qua, Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn quy định về DTHT. Theo đó, hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động DTHT trong nhà trường để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong DTHT. Hầu hết các quy định về DTHT thì hiệu trưởng, quản lý nhà trường là người nắm rõ nhất việc DTHT có tiêu cực hay không. Nếu trường nào để xảy ra tiêu cực trong DTHT thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm trước Sở GD - ĐT.
Lê Vân - Đan Phương