Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chúc mừng những thành tựu của Hội trong những năm qua. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng và biểu dương kết quả đạt được trong 22 năm qua của Hội Khuyến học Việt Nam. Phó Chủ tịch nước khẳng định: Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức có dấu ấn lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước ta.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, Hội Khuyến học đã làm đúng chức năng nhiệm vụ, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Công tác Hội đã đi vào chiều sâu và hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Trung ương đến các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp bản, các trường đại học, tổ chức, đơn vị đều có tổ chức Hội. Hoạt động khuyến học… đã được cả xã hội đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, Hội có website tuyên truyền, báo chí điện tử, chuyên trang, chuyên mục thông tin tuyên truyền tốt về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân, thúc đẩy học tập tại các gia đình, dòng họ, đơn vị, trường học.
Phó Chủ tịch nước cũng vui mừng vì Quỹ Khuyến học của Hội Khuyến học hiện có trên 3.357 tỷ đồng ở quỹ địa phương và trên 7,2 tỷ đồng ở quỹ Khuyến học Trung ương nhằm hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học.
Phó Chủ tịch nước mong muốn, Hội tập trung xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, hướng đến tất cả mọi người kể cả cán bộ công chức, viên chức đều tham gia học tập để nâng cao trình độ. Đồng thời, Hội Khuyến học tiếp tục thực hiện chức năng tham gia tư vấn phản biện xã hội, các chủ trương, chương trình giáo dục và phát triển bền vững Quỹ Hội Khuyến học.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch nước, GS Nguyễn Thị Doan cho biết: Hội Khuyến học hiện nay đã phủ kín cả nước, 63 tỉnh thành phố đều có tổ chức Hội, các chi hội khuyến học đã có mặt ở cả các vùng xa xôi, miền núi, vùng khó khăn. Công tác xây dựng và phát triển mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và đơn vị khuyến học ngày càng được nhân rộng, hoạt động sôi nổi trong cả nước, được nhân dân hưởng ứng rất tích cực.
Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí “Thành phố học tập” và “Công dân học tập” ở Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá công nhận “Đơn vị học tập” dành riêng cho các trường đại học, cao đẳng… Đặc biệt, Hội đang tập trung xây dựng xã hội học tập và học tập của người lớn. Vì trong thời gian qua, Việt Nam mới chỉ chú trọng giáo dục đối tượng trẻ là học sinh - sinh viên mà ít quan tâm tới giáo dục cho người lớn gồm công chức, viên chức, người về hưu, người lớn tuổi…, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhắc đến các phong trào thi đua khuyến học hiện nay ở địa phương như “Tiếng kẻng khuyến học”, “Cây bưởi khuyến học”, “Nuôi heo đất”… đặc biệt là giải thưởng mang tầm cỡ quốc gia là “Nhân tài Đất Việt”, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết mong muốn kết nối thi đua phong trào khuyến học, khuyến tài như gia đình học tập, dòng họ khuyến học gắn với các cuộc thi đua như gia đình văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc gắn với cuộc thi đua ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam.