Học viện Tài chính vừa công bố phương thức tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, năm 2024, Học viện Tài chính có 5 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Xét tuyển học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp 2024; Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024.
Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính dự kiến là 4.500, tăng 300 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Trong đó, chương trình chuẩn là 3.100 chỉ tiêu; chương trình đào tạo định hướng CCQT là 1.280 chỉ tiêu; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân - DDP là 120 chỉ tiêu. Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển kết hợp.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của thí sinh diện xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT và xét tuyển kết hợp là điều kiện dự tuyển/điều kiện nộp hồ sơ của thí sinh. Điểm xét tuyển của thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào từng ngành của Học viện Tài chính có tổng điểm 3 môn thi thuộc một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng) là từ 20 điểm trở lên đối với chương trình chuẩn và từ 21 điểm trở lên đối với chương trình định hướng CCQT theo từng mã xét tuyển.
Năm học 2024 - 2025, Học viện Tài chính dự kiến mức học phí của Chương trình chuẩn là 25 triệu đồng/sinh viên/năm học; Chương trình định hướng CCQT là 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; Diện tuyển sinh theo đặt hàng là 43 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau, học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước. Đối với lưu học sinh diện tự túc kinh phí, học phí theo quy định của Học viện đối với sinh viên nước ngoài diện tự túc kinh phí.
Học viện báo chí và Tuyên truyền công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy. Tổng chỉ tiêu năm nay là 2.050, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái.
Học viện tuyển sinh theo 3 phương thức tương tự năm 2023, gồm xét học bạ (15%), xét tuyển kết hợp (15%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (70%). Với phương thức xét học bạ, tùy theo từng nhóm ngành, điểm xét tuyển bằng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (không tính kỳ II lớp 12) cộng điểm trung bình 5 học kỳ các môn Ngữ văn, Lịch sử hoặc Tiếng Anh nhân hệ số hai và điểm ưu tiên/khuyến khích (nếu có).
Với phương thức xét tuyển kết hợp, thí sinh cần đạt từ 6.5 IELTS, SAT tối thiểu 1200/1600, điểm học bạ 5 kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 7 trở lên, hạnh kiểm bậc THPT xếp loại Tốt. Nếu xét tuyển nhóm ngành Báo chí, điểm trung bình 5 học kỳ môn Ngữ văn phải đạt từ 7 trở lên. Thí sinh xét tuyển các chương trình đào tạo trong nhóm ngành Quan hệ quốc tế, Truyền thông quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Xuất bản, điểm trung bình 5 học kỳ môn tiếng Anh đạt tối thiểu 7 trở lên.
Năm 2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dành chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất với 70%. Học viện chấp nhận quy đổi điểm môn tiếng Anh đối với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh.
Mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm 2024 - 2025 được Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra đối với các ngành (thu phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật) như Quảng cáo, Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, Thông tin đối ngoại, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Biên tập xuất bản là 1.058.200 đồng/tín chỉ. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Với các ngành khác hệ đại trà dự kiến 506.900 đồng/tín chỉ.
Năm nay, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển 2.350 sinh viên, tăng 400 so với năm 2023. Chỉ tiêu chương trình đào tạo chuẩn là 2.000 và liên kết quốc tế là 350.
Trường giữ ổn định bốn phương thức xét tuyển như năm 2023, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ; Xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp nhiều nhất - 1.000.
Ở phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, ngoài áp dụng quy chế của Bộ GD&ĐT với thí sinh có giải quốc gia, quốc tế, trường xét hai nhóm thí sinh khác. Một là thí sinh dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; thành viên đội tuyển quốc gia thi khoa học, kỹ thuật quốc tế. Các em cần có hạnh kiểm tốt trong ba năm học THPT và có điểm thi tốt nghiệp đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành (mức này sẽ công bố sau).
Hai là nhóm thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; kỳ thi Olympic, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Đại học Quốc gia Hà Nội môn Ngoại ngữ; kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Riêng học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp địa phương cần có học lực giỏi, điểm trung bình chung ba năm đạt từ 8,5 trở lên. Với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, trường xét thí sinh có chứng chỉ VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) từ B2 trở lên, do trường tổ chức; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5, TOEFL iBT từ 72 hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác từ B2 trở lên. Những thí sinh này phải có tổng điểm thi tốt nghiệp hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn).
Ngoài ra, trường xét thí sinh có chứng chỉ A-Level với ba môn (bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn) theo các tổ hợp, đạt từ 60/100 điểm mỗi môn, điểm SAT từ 1100/1600, điểm ACT từ 22/36 trở lên. Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh đăng ký cần có điểm thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ đạt từ 6 và điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80/150 điểm trở lên hoặc điểm bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 750/1200 điểm.
Phương thức xét tuyển thứ tư là dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi, theo từng tổ hợp xét tuyển, trong đó Ngoại ngữ nhân đôi, cộng với điểm ưu tiên. Mỗi ngành học chỉ có một điểm xét tuyển, không phân biệt điểm xét tuyển giữa các tổ hợp.
Năm 2024, Trường Đại học Thương mại tuyển 4.950 sinh viên cho 38 chương trình đào tạo. Trong đó, 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Quản trị kinh doanh, Marketing thương mại, Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Logistics và xuất nhập khẩu, Thương mại quốc tế, Tài chính - Ngân hàng thương mại, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Quản trị khách sạn. Những chương trình này được xây dựng dựa trên chương trình chuẩn, chất lượng cao của trường.
Ngoài ra, trường mở thêm hai chương trình chuẩn là Công nghệ tài chính ngân hàng và Kinh doanh số, nâng tổng chỉ tiêu tăng 100 so với năm ngoái.
Trường Đại học Thương mại giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024; xét học bạ ba năm (chỉ áp dụng với học sinh trường chuyên); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; xét tuyển kết hợp.
Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp chia thí sinh thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất và hai kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ. Các chứng chỉ được chấp nhận gồm IELTS 5.5, TOEFL iBT 50, HSK4, TCF 400, DELF B2; SAT 1000, ACT 20 trở lên. Điểm chứng chỉ sẽ được quy đổi, kết hợp với điểm môn Toán và một trong các môn Ngữ văn, Vật lý, Hóa học để xét tuyển.