Nhiều thành tựu quan trọng trong đổi mới giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 9/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đổi mới giáo dục. 

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá, một trong những kết quả nổi bật sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo xu thế của thời đại và gìn giữ truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Đặc biệt, giáo dục và đào tạo thành phố đã có sự chuyển biến về chất, trong đó có nhiều mô hình mới tiếp cận sáng tạo mang tính đột phá; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở phục vụ cho xã hội học tập suốt đời ngày càng được chú tâm; xây dựng và phát triển đồng bộ về quy mô, cơ cấu hợp lý trong giáo dục, chú trọng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; đưa giáo dục đào tạo thành phố tiệm cận giáo dục tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới thông qua việc phát triển giáo dục thông minh, giáo dục ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Thành phố tiếp tục thực hiện định hướng xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo là của toàn xã hội, trong đó nhận thức, ý thức và trách nhiệm hành động của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị đóng vai trò then chốt. Do đó, các cấp, ngành thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, quán triệt sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, tổ chức ngoài hệ thống, tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm cùng với hệ thống chính trị trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại. Nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền phải cụ thể hơn nữa bằng các cơ chế, chính sách cho giáo dục; cùng với đầu tư của Nhà nước, các cấp, ngành phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo, phát triển giáo dục thông qua việc vận dụng tối đa chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành Giáo dục thành phố tiếp đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng là coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, bám sát chương trình giáo dục phổ thông đổi mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực; chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học để tinh thông nghề nghiệp, thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh; nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Thành phố đã và đang thực hiện chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ngành Giáo dục thành phố cần tiếp tục xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để đầu tư và chuẩn hóa việc giáo dục đạo đức, văn hóa trong trường học.

Bí thư Thành ủy chia sẻ, một trong những vấn đề mà lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, trăn trở là chăm lo cho đội ngũ thầy, cô giáo để thu hút được người giỏi, người tài, có tâm huyết với nghề sư phạm; bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo. Đó là nhiệm vụ có tính then chốt trong giáo dục và đào tạo, vì thế ngành cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất lãnh đạo Thành phố các cơ chế, chính sách để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo. Trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trước hết, ngành đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và đến từ sự sẵn sàng thay đổi của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không hình thức.

Báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, công tác giáo dục và đào tạo của Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thành phố duy trì chất lượng phổ cập ở các bậc học. Giai đoạn 2013 - 2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách Thành phố hàng năm đạt từ 20 - 31%, bình quân đạt khoảng 24%; công tác xã hội hóa giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực thông qua các chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục. Trong 10 năm qua, Thành phố đã đưa vào sử dụng 10.000 phòng học, phấn đấu đến cuối 2025 đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, thành phố đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho mọi đối tượng học sinh. Đội ngũ nhà giáo Thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Công tác quản lý giáo dục cũng được đổi mới căn bản, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt, ngành Giáo dục Thành phố đã thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Hoạt động dạy Ngoại ngữ, Tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực đảm bảo năng lực sử dụng của người học.

Báo cáo đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tại Thành phố. Số lượng đội ngũ và chất lượng một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; chưa tạo được động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến, chưa thật sự thu hút nguồn lực có chất lượng cao cho ngành. Công tác quy hoạch, quản lý mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Sỹ số học sinh/lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu, đặc biệt ở một số quận, huyện tỷ lệ này rất thấp.

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các mục tiêu đột phá trong đổi mới, phát triển, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi trọng giáo dục nhân cách, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường triển khai chương trình bồi dưỡng phổ cập Ngoại ngữ, Tin học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Thành phố tiếp tục đảm bảo tỷ lệ ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo...

Tin, ảnh: Thu Hoài (TTXVN)
Nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới giáo dục
Nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới giáo dục

Ngày 4/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN