Nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới giáo dục

Ngày 4/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: moet.gov.vn

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai đổi mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; là một năm có nhiều việc lớn phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua và thực tế đã hoàn thành các mục tiêu lớn, vượt qua các thách thức, đạt được nhiều kết quả và niềm vui.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân… Trong nội bộ ngành cũng rất đồng tâm, nhất trí. “Đây chính là sức mạnh để chúng ta tiếp tục công việc đầy thử thách trong năm 2024”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định về năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, nhưng nếu vượt qua được sẽ có những kết quả mới. Đây là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới. Cùng với đó, hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh các “từ khóa” làm tinh thần triển khai cho năm 2024 là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.

Bộ trưởng phân tích đổi mới không bao giờ là dễ dàng. Do vậy, chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Trước một số việc, nếu không thực sự bản lĩnh, xã hội không biết đặt niềm tin vào đâu. Bên cạnh đó, các bậc học luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo cho mọi công việc; lan tỏa những yếu tố, tinh thần, giá trị mới.

Về nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng đề cập đến việc đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng với đó là tiếp tục đưa ra đề xuất, mở đường cho bước phát triển mới trong thời gian tiếp theo nhân Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; quan tâm đến nguồn lực cho đổi mới, đặc biệt là yếu tố con người, cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng đội ngũ. Tiếp theo là trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông.

Một số nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là triển khai đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024...

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, Bộp đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ban hành 6 Kế hoạch hành động và tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển giáo dục - đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội; triển khai Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong năm qua, Bộ đã tập trung xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao; hoàn thiện, công bố phương án tổ chức và cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên; phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại Luật Giáo dục 2005. Đặc biệt, Bộ đã trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.

Việt Hà (TTXVN)
10 dấu ấn giáo dục và đào tạo năm 2023
10 dấu ấn giáo dục và đào tạo năm 2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 10 dấu ấn giáo dục và đào tạo nổi bật năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN