Người thầy, người cha thứ hai của những học trò nghèo ở Sơn Công

Nhiều năm qua, những học trò có hoàn cảnh éo le ở xã Sơn Công (Ứng Hoà, Hà Nội) luôn được thầy Ngô Mạnh Cường, Trường THCS Sơn Công tìm cách cưu mang. Lớp lớp học trò ở Sơn Công mang theo tình yêu thương, sự vun đắp của người thầy để trưởng thành và lan toả giá trị nhân văn tới cộng đồng.

Từ sự đồng cảm

Miền quê Sơn Công, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng như những ngày bình thường. Điều khác biệt mà chúng tôi nhận thấy là được gặp và trò chuyện với thầy Ngô Mạnh Cường về câu chuyện thiện nguyện giúp trò nghèo đến trường từ sự đồng cảm cách đây gần 20 năm về trước.  

Chú thích ảnh
Thầy Ngô Mạnh Cường và học trò. Ảnh: LV

Bằng giọng chậm rãi, thầy Cường cho biết: “Ý tưởng giúp học sinh nghèo của tôi bắt đầu vào một giờ học cách đây 17 năm khi em Minh Hoà xin nghỉ học với lý do “ngày tuần của mẹ”. Lúc đầu tôi nghe chưa rõ nhưng hỏi ra mới biết hôm đó là 1 tuần ngày mẹ em ấy ra đi, trong tôi dấy lên sự xót xa. Học trò mới học lớp 7, bố mất trước đó không lâu nay mẹ mất và em Hòa đang sống cùng cậu mợ. Tôi nghĩ mình phải làm gì giúp học sinh này tiếp tục đến trường. Nói là làm, tôi bàn với vợ để mua sách, bút và đóng thêm tiền học cho em. Lúc đó, tôi nuôi 3 đứa con ăn học nữa nên nếu duy trì sự giúp đỡ lâu dài cần kêu gọi mọi người cùng tham gia. Tôi đặt vấn đề với một Việt kiều ở Mỹ để cùng giúp đỡ Minh Hoà suốt từ năm lớp 7 đến lớp 12. Sau đó, em ấy thi vào trường Trung cấp Y dược và đến nay trở thành nhân viên Công ty dược Phúc Hưng với cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đây là niềm động viên lớn lao đối với tôi”.

Trong câu chuyện, chúng tôi còn thấy tấm lòng của thầy Cường hiện diện trong những hoàn cảnh khác. Đó là khi mẹ của học sinh Trần Hiền ra đi để lại hai con đang tuổi ăn học, bố bị bệnh và ông bà già yếu dưới mái nhà dột nát có thể sập bất cứ lúc nào. Thấy hoàn cảnh đó, thầy Cường tiếp tục vận động, kêu gọi được 300 triệu đồng để xây nhà cho em Hiền. Cùng với đó, thầy Cường tìm nguồn tài trợ để đóng tiền học cho Hiền đến hết cấp 2.

Thầy Cường tâm sự: “Tôi thường xuyên động viên em Hiền rằng, nếu em quyết tâm thì tôi cũng như học trò cũ của mình (hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tiếp tục hỗ trợ để em học xong cấp 3 và học đại học để cuộc sống của em sau này đỡ vất vả”.

Sau hơn 10 năm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh éo le, được sự động viên của gia đình cũng như đồng nghiệp, những nhà hảo tâm, năm 2016 nhóm Chia sẻ yêu thương ra đời. “Mỗi năm, câu lạc bộ đã trao nhiều suất quà vào những dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, khai giảng để giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn, tiếp bước đến trường. Việc làm của chúng tôi giúp các em vơi bớt những khó khăn nhưng quan trọng hơn là động lực để giúp các em vượt khó để có cuộc sống ổn định hơn”, thầy Cường nói. 

Chú thích ảnh
Một suất học bổng được thầy Ngô Mạnh Cường trao động viên, chia sẻ cho học trò vượt khó, vươn lên trong học tập. Ảnh: NVCC

Với những trường hợp học trò mồ côi, thầy Cường cho rằng những giúp đỡ bằng vật chất là phần nhỏ nhưng sự gần gũi, động viên về tinh thần là lớn hơn cả.

“Chẳng hạn, hoàn cảnh của em Trần Hiền khi ông bà già yếu, bố ốm đau bệnh tật, anh trai 17 tuổi lao động tự do, mình em gánh vác việc nhà nên có lúc không khỏi chán nản. Những lúc như vậy, tôi luôn có mặt kịp thời để động viên em học tập, cùng em vượt qua khó khăn. Tôi hứa, nếu Hiền cố gắng, tôi sẽ giúp đỡ em hết cấp 3 và học đại học để sau này em có cuộc sống hạnh phúc hơn. Đây là niềm vui lớn của tôi”, thầy Cường nói.  

Xuyên suốt hành trình thiện nguyện của mình với những học trò nghèo, thầy Cường luôn được sự hậu thuẫn của người vợ và các con. Thầy Cường nói: “Vợ tôi cũng mồ côi từ nhỏ, được mọi người cưu mang, đùm bọc. Khi tôi giúp đỡ những trò nghèo, vợ con luôn ủng hộ và lúc nào cũng mong tôi có sức khoẻ để giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn”.  

Đến những trái ngọt  

Lớp lớp những học trò nghèo ở Sơn Công luôn nhớ về thầy Ngô Văn Cường như một người thầy đặc biệt truyền cảm hứng sống vượt khó, người cha thứ hai khi họ trưởng thành. Đặc biệt, trong số đó có những người thành đạt, cuộc sống hạnh phúc, thậm chí họ còn nối dài chặng đường thiện nguyện của thầy Cường. Trong số đó là TS Nguyễn Tường Huy, Giảng viên môn Địa lý Kinh tế xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.  

TS Nguyễn Tường Huy cho biết, lúc nhỏ gia đình khó khăn về kinh tế. “Từ nhỏ tôi là cậu bé nhút nhát thiếu tự tin, sống khép mình trước bạn bè và người xung quanh mặc dù học lực luôn là học trò trong nhóm khá, giỏi. Thấy vậy, thầy Cường đã gặp gỡ, thăm hỏi tôi. Thậm chí, có những dịp thầy đạp xe từ nhà xuống chỗ nhà tôi để động viên mẹ con tôi. Thầy giúp tôi bằng cách giao cho tôi viết những vở kịch đơn giản và tự biểu diễn trước nhà trường mỗi khi có dịp. Thấy tôi có năng khiếu thủ công, thầy khuyến khích tôi làm ra những sản phẩm như hoa giấy để tham gia cuộc thi của nhà trường nhân dịp 20/11, hội trại; hoặc động viên tôi vẽ tranh, làm hoa giấy để bán chợ Tết, giúp tôi có thêm thu nhập. Tôi lớn lên dần và tự tin, mạnh dạn, cảm thấy mình có ích. Đây là kỷ niệm rất khó quên trong cuộc đời tôi. Thầy đã chuyển hoá tôi từ cậu bé tự ti, khép mình trở thành cậu bé tự tin, mở lòng với mọi người và có động lực học tốt hơn nữa”, TS Nguyễn Tường Huy nói.

TS Nguyễn Tường Huy nhớ lại những dịp Tết, thầy Cường đạp xe đến mang theo gói mứt, quả bưởi, chùm cam từ vườn nhà thầy đặt trên bàn thờ gia tiên và thăm hỏi động viên hai mẹ con. Có khi là những buổi thầy kèm cặp bài toán khó. Ngay cả khi trưởng thành, thầy Cường cũng định hướng giúp TS Nguyễn Tường Huy chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi động viên học trò tự học tiếng Anh tiếp tục con đường học Thạc sĩ, Tiến sĩ.  

“Thầy như người cha thứ hai, cũng là người truyền cảm hứng, giá trị nhân văn giúp tôi cũng như nhiều học trò nghèo Sơn Công”, TS Nguyễn Tường Huy cho biết.  

Được biết, gia đình TS Nguyễn Tường Huy cùng với đồng nghiệp và câu lạc bộ Chia sẻ yêu thương đang tiếp tục có những hỗ trợ với những học trò có hoàn cảnh khó khăn khác trên vùng quê Ứng Hoà, Hà Nội. 

Nhớ về đồng nghiệp, thầy Đặng Văn Ngom, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Công cho biết: “Thầy Cường luôn giành tình thương cho học sinh nghèo. Đầu tiên là quyển vở, cái bút, lời động viên nhưng sau thầy có những hành động mạnh mẽ bằng cách vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp cho các bạn học sinh nghèo. Từ tấm lòng của thầy mà nhiều giáo viên trong nhà trường cũng chung tay với câu lạc bộ Chia sẻ yêu thương. Không chỉ bằng vật chất, thầy Cường còn động viên nhiều học sinh nghèo tự tin trong quá trình học tập, giúp các em cảm thấy không bị bỏ rơi. Minh chứng là đến nay, nhiều học sinh trong đó có thành tích cao, vượt lên hoàn cảnh để hoà đồng cùng bạn trang lứa”.  

Nói về mong ước của mình, thầy Ngô Mạnh Cường mong có được sức khoẻ để tiếp tục công việc thiện nguyện với những mảnh đời kém may mắn. Niềm vui lớn nhất như thầy nói là sự trưởng thành của các em, vừa giúp bản thân, vừa giúp ích cho cuộc đời. “Như vậy, tôi đã hoàn thành sứ mệnh của người đưa đò thầm lặng”, thầy Cường xúc động. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Trầm lắng thị trường hoa tươi cho ngày 20/11
Trầm lắng thị trường hoa tươi cho ngày 20/11

Vào thời điểm này mọi năm, thị trường hoa tươi trên địa bàn Hà Nội rất sôi động, với nhiều loại hoa lạ được nhập khẩu về để bán phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường hoa tươi trầm lắng, giá hoa tươi khá cao và sức mua rất yếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN