Là một thầy giáo trẻ bị mất thị lực hoàn toàn, trong cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng niềm đam mê với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Hoàng Văn Khương (38 tuổi) luôn nỗ lực vượt lên, mang tri thức đến với những học sinh chậm phát triển trí tuệ, mất thị giác tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Thầy Hoàng Văn Khương hướng dẫn bài học cho trẻ em khiếm thị. Ảnh: cand.com.vn
|
Năm 2001, thầy giáo Hoàng Văn Khương chính thức về nhận công tác giảng dạy môn lịch sử tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Gần 14 năm gắn bó nhiều thế hệ học sinh bị khiếm khuyết tại ngôi trường này, thầy Khương hiểu rõ những khó khăn mà học sinh đang trải qua, đặc biệt là việc tiếp thu nội dung các bài giảng. Thầy đã nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy hay và đơn giản giúp các em vừa tiết kiệm được thời gian học nhưng vẫn nắm vững được kiến thức. Đối với các bài học có nội dung dài và phức tạp, thầy thường lọc lại các ý, sự kiện chính từ đó đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề mà các em chưa hiểu. Thầy dùng cách phô tô các ý chính ra thành cỡ chữ lớn hơn để giúp các em thị lực kém hoặc chậm phát triển về trí tuệ dễ đọc. Thầy cũng chuyển các "hình sáng" trong bài sang các "hình nổi" thông qua cách cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp thành hình các đồ dùng, con vật, biểu tượng... mô phỏng lại nội dung bài học giúp học sinh bị mất thị giác hoàn toàn khi chạm vào sẽ dễ liên tưởng và nhớ bài lâu hơn. Bên cạnh đó, thầy còn sử dụng các bài giảng của thầy hoặc các bài phân tích của các chuyên gia được thầy ghi âm lại để mở cho học sinh nghe.
Để giúp các em hoàn thiện dần các kỹ năng sống, ngoài các tiết dạy chính khóa, các giáo viên ở đây đều thực hiện thêm giáo án cá nhân. Hiện thầy Khương đang phụ đạo cho 2 học sinh lớp một theo giáo án này. Với giáo án cá nhân, mỗi buổi dạy của thầy chỉ có một học sinh. Thầy Khương chia sẻ: Việc sinh hoạt hằng ngày với một người lớn bị khuyết tật đã rất khó chứ đừng nói gì là các em nhỏ. Các buổi học theo kiểu một thầy, một trò sẽ giúp mình có thời gian chỉ bảo tường tận cho các em biết cách nhận biết từng loại đồ vật như thế nào, cách sử dụng nó ra làm sao. Cũng từ các buổi học, qua những lời tâm sự, khuyên bảo mình sẽ góp phần giúp ổn định tâm lý và định hình các kỹ năng cần thiết phục vụ cuộc sống hằng ngày cho các em.
Không những là một giáo viên có chuyên môn giỏi, thầy Khương còn là một Chi hội trưởng đầy tinh thần trách nhiệm của Chi hội Người mù của trường. Để nắm tình hình học tập, nhu cầu tâm sinh lý của học sinh cũng như tạo không gian giúp các em giao lưu, chia sẻ về bản thân, thầy cùng Chi hội thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập trung ngoài giờ như: biểu diễn văn nghệ, trả lời câu đố, kể chuyện cười... Theo dõi sự tiến bộ của các em thông qua việc liên lạc, trao đổi với phụ huynh và người thân các em.
Với việc nắm vững năng lực chuyên môn, đưa ra nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy, tích cực trong các hoạt động chung của nhà trường, thầy Hoàng Văn Khương đã nhiều lần được nhận Bằng khen giáo viên dạy giỏi cấp trường. Hai năm liền, thầy đạt thành tích chiến sĩ thi đua cấp cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng khen tặng (năm 2012 và năm 2013). Đặc biệt, với sự năng nổ trong công tác phát triển hoạt động Chi hội Người mù của nhà trường nói riêng và Hội người mù thành phố Đà Nẵng nói chung, thầy đã vinh dự được Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013.
Cô Đặng Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Thầy Hoàng Văn Khương là một giáo viên tâm huyết với nghề. Thầy đã xây dựng được nhiều cách dạy mới, mô hình hay giúp học sinh bị khiếm khuyết dễ tiếp thu hơn. Dù bản thân bị mất thị lực hoàn toàn nhưng thầy đã cho thấy nghị lực biết vươn lên, thầy là tấm gương sáng cho tập thể thầy và trò của trường học tập và noi theo.
Cũng theo cô Tùng cho biết, với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường và cộng đồng, ngày 19/11 này thầy Khương chính thức được kết nạp Đảng.