Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn - Bài 2

Tháng 10/1983, thầy Phạm Đức Tùy được điều động về huyện Ea Súp và giữ nhiều cương vị quan trọng, trong đó đặc biệt giai đoạn ông làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Ea Súp, đã để lại dấu ấn tốt đẹp với huyện Đảng bộ, các cấp các ngành và nhân dân trong huyện.

Phong trào “Đại đoàn kết”: Kết nghĩa giữa các thôn - buôn, cơ quan - buôn làng; dần dần triển khai sâu rộng: Gia đình - gia đình. Đảng viên - cụm dân cư; được khởi xướng từ huyện Ea Súp và đã có công lớn của Chánh Văn phòng Phạm Đức Tùy. “Chủ trương mang tính kế sách, chiến lược, hợp ý Đảng, thuận lòng dân”, sau bao đêm trăn trở nặng nỗi thương dân của Chánh Văn phòng Huyện ủy đã tham mưu, đề xuất ý tưởng này với Bí thư Huyện ủy và được Thường vụ nhất trí, xây dựng thành nghị quyết Đảng bộ huyện, đồng thời nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Nhịp sống thường ngày của nhà giáo Phạm Đức Tùy.


Trên cương vị Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ đầu (1996-2000), Bí thư Phạm Đức Tùy đã có những chính sách chăm lo thiết thực với đời sống đồng bào. Từ việc chăm lo cho những hộ dân kinh tế mới vừa chuyển đến, đang còn ở lán trại, có một cái Tết xa quê đầm ấm; đến việc vận động các đơn vị công an, quân đội đưa cán bộ y tế đến tận các buôn xa khám và cấp thuốc miễn phí… ông đều chỉ đạo sát sao cấp dưới thực hiện hiệu quả.

Đặc biệt, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, nổi bật là công trình Thủy lợi Ea Súp Thượng, cùng mạng lưới kênh mương dẫn thủy nhập điền để biến vùng đất rộng hàng ngàn ha quảng canh bấp bênh một vụ nhờ thời tiết, thành cánh đồng lúa nước hai vụ ăn chắc với 4.000 ha, thuộc 5 xã, thị trấn, cánh kênh Đông, kênh Tây… đều là sáng kiến của ông. Nhờ đó, đồng bào ai gặp Bí thư Huyện ủy cũng rối rít bắt tay cám ơn “cán bộ” đã mang lại no ấm cho đời sống.

Mọi việc tưởng đã êm ả, đầu nhiệm kỳ thứ II của ông trong vai trò Bí thư Huyện ủy, (năm 2001 - 2004), một biến cố không mong muốn xảy ra trên địa bàn huyện, như một thử thách tài trí và bản lĩnh, đức độ của ông.

Ngày 3/2/2001, hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào người Êđê) tập trung trên mấy chục xe máy kéo công nông, với các hung khí như xà gạc, dao, rựa, gậy gộc, nghe lời kích động, xúi giục, kéo lên tỉnh để làm loạn. Nhiệm vụ trước mắt của lãnh đạo huyện Ea Súp là tuyên truyền, phân tích cho đồng bào hiểu rõ về việc làm chưa đúng của mình là đã bị mắc mưu kẻ xấu là vi phạm pháp luật. Tiếp theo là phải kiên quyết ngăn chặn những sự manh động, tránh xảy ra xô xát, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.

Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy đã có một sáng kiến: Ông cho một chiếc xe reo chở cây gỗ nằm án ngữ ngay đầu cầu Dak Bùng, khiến cho tất cả các xe máy kéo, công nông không thể qua cầu. Xe không qua được thì người ta bỏ xe lại, chạy bộ, với hy vọng là tới các buôn ở phía trước có rất nhiều người, nhiều xe đang chờ. Chạy bộ tới hồ Ea Ma thì tất cả gặp một chướng ngại vật khác do Bí thư Tùy chỉ đạo dựng lên. Không đi đâu được nữa, giữa không gian hồ trong mát với hàng trăm ha ruộng rẫy, dần dần những tâm trạng tức giận, nổi loạn cũng dịu đi. Có thể nói, bằng tài trí của mình, Bí thư Huyện ủy đã “nhờ” nước và gió của hồ… mà hóa giải mà dập tắt ngòi nổ bạo loạn. Bởi từ đây nghe rõ những cuộc điện đàm từ Cưm’gar, Ea H’Leo, Krông Bông, Lak… gọi về với giọng điệu xụi lơ: “Không thể tiến quân, khi không có người Easup tiên phong!”. Cuộc bạo loạn không thành, bị tắt ngúm ngay tại điểm khơi mào.

Qua ba đêm hai ngày cố tình nhịn đói, nhịn khát chứ không sử dụng thực phẩm và nước uống cứu trợ, trong đêm tối, đám đông nổi loạn cũng tan rã, ra về.
Bí thư Phạm Đức Tùy thở phào, nhưng ông xác định: “Nhiệm vụ kế tiếp là phải điều tra tìm hiểu tường tận xem ai, ở đâu là đầu mối tiếp nhận, truyền bá thông tin, tổ chức bạo loạn, gây rối? Thì ra không đâu đâu xa, chính là amí H’Len, cư trú ngay tại thị trấn huyện. Bí thư Phạm Đức Tùy quyết định phải “quật đổ Nữ soái” này, kẻ đã tự ví mình như đỉnh núi cao nhất vùng Ea Súp, kẻ đã từng có một tuyên bố xanh rờn trước ông: “Thôi, bây giờ tất cả đã muộn rồi. Chúng tôi không cần đất, không cần nước. Cái mà chúng tôi cần thì huyện, tỉnh, đến Trung ương cũng không giải quyết nổi mà sẽ và chỉ có sự can thiệp của Liên hợp quốc. Đó là Nhà nước Đề Ga độc lập”.

Hai ngày sau khi tự rút lui bẽ bàng bên hồ Ea Ma, một mưu đồ nổi loạn đập phá trụ sở làm việc của các cơ quan huyện trên địa bàn thị trấn, được nhen nhóm và dự định diễn ra vào ban đêm. Nhận được thông tin chính thức của lực lượng an ninh báo về, Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy tổ chức gấp cuộc họp Thường vụ mở rộng. Tiếp theo, ông mời tất cả các già làng của các buôn đồng bào trong và quanh thị trấn đến họp. Bên ly trà và những đĩa bánh kẹo, Bí thư Huyện ủy thông báo: “Đã có kẻ xúi giục đồng bào đêm nay kéo đến đập phá trụ sở các cơ quan trên địa bàn huyện. Cơ quan an ninh đề nghị cho bắt khẩn cấp những kẻ cầm đầu và những tên cộm cán, nhưng hàng ngũ cán bộ chủ chốt đề nghị chưa triển khai bắt ngay, mà chuẩn bị lực lượng phương án hữu hiệu để khống chế. Tại tất cả các trụ sở đều đã được dùng điện để bảo vệ, quyết không để kẻ xấu xâm hại tài sản quốc gia. Tôi thông báo để các già làng biết tình hình và thiện tình, thiện ý của lãnh đạo huyện, đồng thời yêu cầu các già làng về khuyên bảo con cháu và bà con trong buôn mình không được manh động”.

Cuộc họp kết thúc với những nụ cười, những cái bắt tay thân mật hứa hẹn, các già làng ra về sớm…

Điện dùng cho công tác bảo vệ đêm ấy vẫn chỉ là những bóng đèn điện. Và đêm ấy vẫn như bao đêm, thị trấn Ea Súp vẫn yên bình, lấp lánh ánh đèn…

Bài và ảnh: Trần Ai

Bài cuối: Cảm hóa bằng tấm lòng
Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn - Bài 1
Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn - Bài 1

Là giáo viên văn học tại trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương (Thái Bình), nhưng người thầy giáo trẻ này rất ham học hỏi, luôn dành thời gian tìm hiểu về những môn thuộc khối C của mình (sử, địa)...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN