Người gieo niềm tin

Với những nghĩa cử cao đẹp của mình, cô giáo Phạm Thị Ngọc Thúy (thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), là một "người gieo niềm tin" cho bao lứa học trò, bao hoàn cảnh khốn khó...


Cô Phạm Thị Ngọc Thúy, nguyên giáo viên dạy văn trường THCS Chu Văn An (Duy Xuyên), đang là Chủ tịch Hội khuyến học thị trấn Nam Phước, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học Duy Xuyên.


Niềm tin không có tuổi


Thông thường, có hai kiểu từ thiện: Thứ nhất, trao vật chất giải quyết khó khăn trước mắt. Thứ hai, "trao cần câu chứ không trao cá", ví như chương trình đào tạo nghề miễn phí.
Có một kiểu từ thiện nữa: vẫn trao vật chất, nhưng vật chất chỉ là cái cớ để người làm từ thiện dấy lên trong người cần giúp đỡ một niềm tin. Phải tự cứu mình trước khi người khác cứu mình, sẽ không thể thành công nếu không có niềm tin về chính mình, niềm tin về xã hội, tin rằng mình làm được, và xã hội không bao giờ đẩy mình đến bước đường cùng.


Chân dung cô giáo Thúy.


Suốt thời gian hơn 30 năm trên bục giảng (từ 1978 đến 2009),cô giáo Ngọc Thúy đã có 20 năm gắn bó với công tác từ thiện. Người giáo viên 58 tuổi luôn ý thức: "Gieo cho các em niềm tin là các em tự làm được, đó là cái vốn mà con người dư sức có, quan trọng mình có gợi lên hay không". Niềm tin vào cuộc sống là một thứ siêu tôn giáo, như Nick Vujicic đã viết: "Chúng ta không thấy được oxy trước mặt trong khi oxy giúp ta thở. Vậy hà cớ gì, chúng ta không tin vào những thứ không xảy ra trước mắt, nhưng có thật".

Tốt nghiệp khoa văn Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn năm 1979, cô giáo Ngọc Thúy về “gõ đầu trẻ” tại huyện Điện Bàn, rồi Duy Xuyên. Thời bao cấp, làm đủ nghề từ đan len, nuôi heo đến bán bánh bột lọc để nuôi hai con nhỏ và chăm sóc người chồng mất sức lao động, cô gái Huế đài các thuộc dòng tôn nữ đã tự “biến” mình thành một người cứng rắn, đến nỗi, học trò đặt biệt danh: "Bà đầm thép". Nhưng, sự cứng rắn chỉ là biểu hiện của lý trí để cô giáo hoàn thành tốt việc trong gia đình, ngoài xã hội; sự đa cảm bên trong mới là cội nguồn để cô tiếp tục sống, và tin người.


"Cuộc sống là của chính tôi, nhưng động lực sống của tôi chính là sự thương yêu của học trò. Các em giúp tôi tin tình cảm là có thật, sao tôi không gieo lại niềm tin cho các em" - cô bộc bạch. Đến nay, nói như nhiều người, cô là chuyên gia gieo rắc niềm tin, dù đôi lúc, vì quá tin vào cuộc sống mà người gieo rắc niềm tin lại bị cuộc sống phản bội. Nhưng, như lời cô: "Cuộc sống vẫn có nụ cười, có nụ cười là có niềm tin. Và niềm tin không có tuổi. Những đóa quỳnh trong sân nhà tôi, đêm đêm vẫn nở, tỏa hương, thiết chi tiếng còi xe inh ỏi, tiếng la hét dữ dội ngoài kia...".


Từ thiện bằng lý trí


Mấy chục năm trước, mái tranh ở “xóm mồ côi” hẻo lánh, bao thế hệ học trò coi đây như nhà mình. Người giáo viên của các em đã nhịn từng miếng ăn để các em được vô tư hồn nhiên, những giọt nước mắt lăn dài nuốt vào trong và nghị lực là kết quả của bao trăn trở từ người giáo viên ấy.


Cô giáo Ngọc Thúy phát học bổng cho các em học sinh.


Trả ơn cho cuộc sống đã mang lại niềm tin cho mình, cô Thúy đã làm nhiều việc giúp các em học sinh. Nghe phong thanh thông tin ở đâu cần giúp đỡ, là cô chạy tới: Nghe bạn Nguyễn Thị Hộp mồ côi cha, mẹ nuôi bốn chị em gái vừa đậu ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam) nhưng không có tiền đóng học phí, cô liền gửi 1,5 triệu đồng và làm hồ sơ chạy khắp nơi xin học bổng. Nghe tin bạn Trần Hoanh, bố bị tâm thần, mẹ làm "nghề" nhặt cá rơi rớt sau mỗi chuyến khơi, cô cho vay tiền từ quỹ học bổng của mình, để giờ bạn đang là sinh viên giỏi Trường Đại học Y Dược Huế.


Nhưng, giúp đỡ một lần khác với cách gắn bó dài lâu, để các em lấy mình làm chỗ dựa. Không hoàn cảnh nào mà cô giáo Thúy chỉ giúp đỡ một lần rồi thôi, những người cô giúp đỡ quá nhiều, nhưng cô lại nhớ từng khuôn mặt, biết từng địa chỉ nhà, nắm rõ từng chuyện trong gia đình. Đó là cách như cô nói: "Biết khơi gợi niềm tin cho các em, rằng, xã hội không bỏ rơi mình, sao mình bỏ rơi xã hội". Bạn Nguyễn Ngọc Sang (sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng) còn nhớ trong cảnh mẹ ốm đau, cha mất sức lao động, cô Thúy đem xe máy của mình ra tận Đà Nẵng, tập cho Sang đi, kèm theo lời dặn: “Cho em mượn xe kiếm việc làm thêm mà ăn học, cô chạy về kiếm người tài trợ, ra trường trả xe cho cô nhưng cấm sửa sang lại”.


Sang bộc bạch: "Cô nói, ra trường trả xe cho cô là cô muốn mai sau em phải thành công, cô nói cấm sửa sang lại là cô đang động viên em. Chất thép từ cô đã truyền sang em. Chưa bao giờ em thấy mình mạnh mẽ như lúc này." Chuyện của Sang nhắc tới một điều: bằng những hành động tưởng chừng nhỏ nhoi, nhưng trong cái nhỏ nhoi các em lại thấy vô vàn tình cảm; và, làm từ thiện không được quá ủy mị sướt mướt, phải để người được giúp đỡ thấy được sự mạnh mẽ, quyết đoán.


Tương tự thế là chuyện, năm 2007, cô Thúy mở lớp dạy văn miễn phí rồi nhờ thầy giáo về dạy toán cho gần 20 học sinh không có tiền học thêm. Khi các em chuyển cấp II lên cấp III, cô lì xì mỗi đứa 15.000 đồng, đi xin cho mỗi em 30 cuốn tập, 5 em gái có điểm từ 50 trở lên được cô may áo dài đi học. Những em học cấp 3 nhà ở xa trường huyện, cô xây những phòng trọ tình thương, cho các em trọ miễn phí, ở đó các em tự bảo ban, chăm sóc nhau... Bao năm qua, với cương vị Chủ tịch Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học Duy Xuyên - một quỹ học bổng do cô tự vận động thành lập cho các em sinh viên nghèo hiếu học vay không lãi suất - cô lặn lội khắp nơi, để trở thành nhịp cầu nối từ các nhà hảo tâm đến bao hoàn cảnh khốn khó.


Điều mà cô giáo Thúy nhận được là sự thành công của học trò. Ngày bạn Trần Huyền Trang (huyện Đại Lộc) nhận bằng tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng vào tháng 6 vừa rồi, người duy nhất tới chúc mừng, tặng hoa là cô Thúy.


Biết bao sự thành công như thế và cũng rất nhiều học trò mà cô Thúy từng giúp đỡ, nay thành danh, lại sát cánh cùng cô trong công tác thiện nguyện. Lòng tốt gieo nên lòng tốt!


"Sẽ là hiệu ứng ngược, tạo cho người cần giúp đỡ tâm lý thụ động, ỷ lại khi ta giúp đỡ một lần, rồi thôi ?" - "Đúng vậy, nếu tâm mình có thật thì sợ gì đến việc sử dụng lý trí để đạt hiệu quả cho cái tâm" - cô Thúy nói. "Phải chăng, một người vừa quyết đoán vừa có sự mềm dẻo của một giáo viên dạy văn như cô là người phù hợp nhất cho cách thức từ thiện này?" - "Không đâu. Bằng cách gieo niềm tin, ai cũng có thể là một nhà từ thiện, bởi một người xấu xa nhất cũng phải có chút ít lòng tốt" - cô cười nhẹ.


Quán cà phê tại thôn Phước Mỹ 2 (Nam Phước, Duy Xuyên) của cô sáng nào cũng đông phụ huynh, giáo viên đến chuyện trò. Ngày dựng quán, phụ huynh chặt cây đem đến làm cột lợp mái, học sinh cũ về lấy hai cái rổ úp lại làm đèn trang trí, mỗi người một tay, hai ngày là xong. Và, những khóm quỳnh mọc trong khuôn viên quán, đêm đêm vẫn nở hoa, tỏa hương, thiết chi tiếng còi xe inh ỏi, tiếng la hét dữ dội ngoài kia...



Mai Thành Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN