Dẫn chứng về điều này, GS Đỗ Đức Thái nói: “Trẻ con 6 tuổi chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng được xây dựng tập số tự nhiên bằng 2 loại tiên đề toán học. Loại thứ nhất là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm 2 con bò, 2 bông hoa, 2 cốc nước để … ra được số 2. Loại thứ hai là học số liền trước là số nào, số liền sau là số nào. Trẻ của chúng ta điềm nhiên được học như vậy”.
“Về nguyên tắc hình học trẻ phải hiểu được từ những biểu tượng cụ thể, sờ được, quan sát được, cầm nắm được nhưng ở lớp 1, các em đang học về đường thẳng. Đường thẳng thì không thể sờ, cầm, nắm được. Một khái niệm toán học trìu tượng, dạy rất khó”, GS Đỗ Đức Thái cho hay.
Vì thế, theo GS Đỗ Đức Thái, SGK lớp 1 phải hiện thực hoá chủ trương của Bộ GD&ĐT là thực sự giảm tải. Làm sao để mỗi giờ học toán là giờ vui chứ không phải là sự hãi hùng. Như quyển SGK Toán 1 của “Cánh diều” được thiết kế cho giáo viên tổ chức các hoạt động theo đúng năng lực nhận thức của học sinh.
GS Đỗ Đức Thái cũng cho biết: Chủ trương của chương trình môn Toán mới là muốn mở toang cánh cửa nhà trường để cuộc sống tràn vào nhà trường và phải gắn với cuộc sống. Làm sao những gì học sinh được học sẽ biến thành năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn cuộc sống của các em sau này.
Cụ thể, bộ SGK Toán lớp 1 của “Cánh diều” viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã thấm đẫm tinh thần “Mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống”. Sách được viết trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học sinh có thể tự học được dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân, dưới sự dạy dỗ của thầy cô giáo. Đây là điểm khác biệt lớn nhất với SGK Toán lớp 1 hiện hành.
Đồng ý với ý kiến này, PGS.TS. Lê Anh Vinh, Chủ biên SGK Toán lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” (Bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt - PV) cho biết: Mục tiêu căn bản nhất của môn Toán trước đây là phát triển khả năng tư duy logic, kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của học sinh. Nhưng thực tế, nếu học sinh không yêu thích, không hứng thú và hiểu được ý nghĩa thực tiễn của môn Toán thì sẽ không đạt được mục tiêu này.
Ở bộ SGK Toán 1 "Kết nối tri thức với cuộc sống" được cụ thể hoá như: Xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt sẽ lớn lên cùng các em trong giai đoạn học tiểu học. Những chi tiết nhỏ như trang phục, thời tiết… được lồng ghép vào các bài học và được tính toán xem dạy vào thời điểm trong năm, để tạo sự xuyên suốt và mối liên kết giữa bài học với đời sống của học sinh.