Không phụ thuộc ngữ liệu cụ thể
Thực tế, năm học 2019 - 2020, nhiều địa phương đã thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4/11/2016 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tuy nhiên, thời gian tới, khi có sách giáo khoa mới, việc đáp ứng nội dung này sẽ phải thực hiện một cách sâu, rộng hơn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết: Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hình thức thi và kiểm tra đánh giá cơ bản không thay đổi nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, nội dung đề thi, bài kiểm tra sẽ thay đổi theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, không đánh giá sự ghi nhớ kiến thức một cách đơn thuần. Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều SGK, nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong SGK, qua đó đảm bảo công bằng cho học sinh học các bộ sách các nhau. Đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực.
Để làm rõ hơn định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, TS Đỗ Anh Dũng, Vụ Giáo dục Trung học cho biết: Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng tiếp cận năng lực tập trung vào các định hướng như: Chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng các loại hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình).
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chuyển chủ yếu từ đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức, … sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo.
Giáo viên cần xem đánh giá như là một phương pháp dạy học. Đồng thời, giáo viên tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá: sử dụng các phần mềm thẩm định các đặc tính đo lường của công cụ (độ tin cậy, độ khó, độ phân biệt, độ giá trị) và sử dụng các mô hình thống kê vào xử lý phân tích, lý giải kết quả đánh giá.
Đề thi có các tình huống để kiểm tra năng lực, kỹ năng.
Do có các sách giáo khoa khác nhau về cấu trúc nội dung, chủ đề bài học, ngữ liệu dạy học. Mặt khác, mỗi nhà trường được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của trường mình nên sẽ có việc ở một thời điểm học sinh các trường sẽ được học khối lượng và nội dung kiến thức/kỹ năng khác nhau.
Vấn đề đặt ra rằng, nếu học sinh chuyển trường (ở 2 tỉnh khác nhau), làm thế nào để các em có thể hòa nhập được cùng các bạn trường mới được dư luận quan tâm.
Chia sẻ về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT cho biết: SGK là phương tiện để tổ chức hoạt động dạy học. Trong đó, học sinh làm việc với các ngữ liệu cụ thể (kênh chữ, kênh hình) trong SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức theo quy định của chương trình. Dù ngữ liệu trong SGK khác nhau nhưng kiến thức để học sinh tiếp nhận, vận dụng là giống nhau, vì phải đáp ứng theo yêu cầu của chương trình. Do đó, khi chuyển trường, học sinh học SGK khác, làm việc với ngữ liệu khác, vẫn không bị ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức để phát triển phẩm chất, năng lực.
Dẫn chứng về vấn đề này PGS TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Cùng dạy về chủ đề "sống cần kiệm", ngữ liệu trong SGK khác nhau có thể chọn câu chuyện khác nhau để giao cho học sinh khai thác. Nhưng kết quả cuối cùng, học sinh vẫn nắm được và vận dụng được kiến thức về sống cần kiệm. Ngay cả việc vận dụng kiến thức về sống cần kiệm để giải quyết tình huống trong thực tiễn, thì tình huống cần giải quyết cũng có thể là khác nhau với 2 học sinh khác nhau, nhưng đều có thể đánh giá được sự phát triển năng lực, phẩm chất của 2 em đó về vấn đề này.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Để đánh giá về phẩm chất, năng lực của học sinh đối với chủ đề "sống cần kiệm", thay vì yêu cầu học sinh phát biểu "thể nào là sống cần kiệm" thì đề thi đánh giá năng lực phải ra một tình huống cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể, đứng trước tình huống đó yêu cầu học sinh phải xử lý.
“Chính cách xử lý đó của học sinh sẽ thể hiện được sự nắm vững kiến và phát triển phẩm chất năng lực của học sinh với chủ đề này. Hoặc, với Vật lý, thay vì kiểm tra những kiến thức về chuyển động thẳng, thì có thể yêu cầu học sinh thiết kế một đường trượt tuyết cho người yêu thích tốc độ từ đỉnh một quả đồi xuống, với 3 phương án: đường thẳng, đường vồng lên, đường lõm xuống, để học sinh phải lựa chọn và giải thích”, PGS TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Theo định hướng này, các bài kiểm tra, đánh giá và thi cũng không yêu cầu ghi nhớ kiến thức một cách máy móc mà yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn. Qua đó, đánh giá được sự phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh.
Để rộng đường dư luận, cũng như cần cụ thể các vấn đề đã nêu, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên để các trường triển khai.