Trong quá trình thẩm định đã có đối thoại
Trả lời về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT sẽ phải rà soát, thẩm định lại sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng và đúng pháp luật, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về "một chương trình nhiều bộ sách", trong đó có sách Công nghệ giáo dục, ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn 10474 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về nội dung tâm thư của PGS TSKH Nguyễn Kế Hào. Cụ thể, PGS TSKH Nguyễn Kế Hào thay mặt một trung tâm thực nghiệm của Nhà xuất bản có tâm thư nói về băn khoăn, mong muốn của bộ sách Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Bộ GD&ĐT trân trọng những ý kiến này và đã có báo cáo với Văn phòng Chính phủ nói rõ về việc sách của GS Hồ Ngọc Đại tại sao bị đánh giá không đạt. Đồng thời, Bộ GD&ĐT thông báo cho PGS TSKH Nguyễn Kế Hào về nội dung này.
“Ngay trong chính quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định quốc gia đã đối thoại 2 lần với tác giả. Lần thứ nhất là tác giả lên trình bày bản thảo nội dung của mình. Sau 7 ngày trao đổi, phân tích, Hội đồng thẩm định tiếp tục mời tác giả lên và đặt câu hỏi: “Tác giả có ý kiến gì không?”. Đây chính là mong muốn đối thoại của Hội đồng thẩm định. Nhưng Bộ GD&ĐT chưa nhận được một ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại theo đúng quy định quyền lợi của tác giả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với những người liên quan, nếu tác giả nào có nhu cầu đối thoại, Bộ trưởng sẽ tổ chức đối thoại với Hội đồng thẩm định”, TS Thái Văn Tài nói.
TS Thái Văn Tài cũng cho biết thêm, việc rà soát lại quy trình thẩm định sách giáo khoa cũng đã thực hiện theo quy định. Cụ thể, sau ngày 15/10, khi nhận lại toàn bộ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát lại quy trình liên quan, tính pháp lý, có tham vấn nội dung của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, báo cáo nội dung tới Ban Tuyên giáo Trung ương. Quá trình đó diễn ra cho đến ngày công bố các bản thảo sác giáo khoa chính thức.
Liên quan đến nội dung công bố các bản sách giáo khoa điện tử và công khai những phản biện của Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc công khai bằng văn bản đã được công khai từng vòng thẩm định đối với các các giả và Nhà xuất bản. Đã có rất nhiều chi tiết được trao đổi, giải quyết thông qua biên bản, có những biên bản lên tới gần 40 trang. Vòng 1 xong, vòng 2 đều có bản giải trình từng nội dung được công khai đối với những người liên quan và khá minh bạch.
Tuy nhiên, theo TS Thái Văn Tài, về chế bản điện tử, bản PDF công khai trên mạng internet với những bản mẫu sách giáo khoa để người dân dân được tiếp cận thì sẽ cần có quy định cụ thể. “Bởi sách giáo khoa liên quan Luật Sở hữu Trí tuệ, trong đó có Luật Sở hữu bản quyền. Quyền lớn nhất là của tác giả, tiếp đó là Nhà Xuất bản, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Bộ GD&ĐT công bố những sách giáo khoa được quy định đúng thẩm quyền. Còn về quy định công bố đối với bản sách điện tử, bản PDF sẽ được quy định trong thời gian tới.
Địa phương phải đảm bảo lựa chọn sách theo Luật định
Trước lo ngại về việc nếu để các tỉnh tự lựa chọn sách giáo khoa thì có khả năng xảy ra tinh trạng "lợi ích nhóm" hay không, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trả lời: Luật Giáo dục quy định rõ, UBND tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tính chuyên môn, thành phần, quy định nguyên tắc, yêu cầu đối với Hội đồng thẩm định. UBND tỉnh phê duyệt chuyên môn, thành lập Hội đồng theo quy định. UBND tỉnh phải có trách nhiệm trong việc thực hiện lựa chọn khách quan, minh bạch.
"Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã tính đến việc này. Đó là giao cho các thành viên hội đồng xây dựng tiêu chí; ở cấp trường phải tham khảo ý kiến của giáo viên trong trường, phụ huynh, để khi lựa chọn có sự đồng ý đạt đến mức nhất định thì mới công bố sách giáo khoa được dùng. Tiếp đó mới công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.