Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở chương trình đào tạo cử nhân công nghệ bán dẫn, tuyển sinh khóa đầu với 140 chỉ tiêu.
Ngành Công nghệ bán dẫn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở 7 tổ hợp: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), A02 (Toán, Lý, Sinh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C01 (Toán, Lý, Văn), C02 (Toán, Hóa, Văn) và D07 (Toán, Hóa, Anh). Ngoài ra, trường dự kiến dùng một số phương thức khác, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; dựa vào điểm bài thi đánh giá năng lực HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT); kết hợp điểm thi tốt nghiệp và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Việc Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở chương trình đào tạo cử nhân công nghệ bán dẫn không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp bách, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội để các trường đại học tiên phong đào tạo đội ngũ chuyên gia bán dẫn, phục vụ sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên công nghệ số.
Với mục tiêu trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng và chuyên sâu của công nghệ bán dẫn, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sau tốt nghiệp có thể tự tin áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sáng tạo khởi nghiệp và hội nhập quốc tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sinh viên theo học chương trình này sẽ được đào tạo bài bản, có nền tảng kiến thức lý thuyết vững vàng và kỹ năng thực hành thành thạo để làm việc tại các vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như: Chế tạo; thiết kế, đóng gói và kiểm chuẩn các linh kiện bán dẫn tích hợp (IC); phát triển vật liệu mới nhằm nâng cao chất lượng của linh kiện, thiết bị. Các em cũng có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học; có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và các lĩnh vực liên quan; thích ứng cao với các đòi hỏi của thị trường lao động. Ngoài đào tạo chuyên môn, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng mềm, có kỹ năng giao tiếp, quản lý, làm việc nhóm và năng lực ngoại ngữ tốt để làm việc trong môi trường đa ngành, đa văn hoá, đa quốc gia.
Chương trình được xây dựng trên kinh nghiệm và thành quả của ngành Khoa học vật liệu cũng như chương trình đào tạo liên thông với các chương trình sau đại học công nghệ bán dẫn của nước ngoài như chương trình thạc sĩ Công nghệ bán dẫn liên kết NYCU - Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2020.
Là cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu hàng đầu, Khoa Vật lý của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị nghiên cứu trọng điểm có cơ sở hạ tầng phòng sạch duy nhất tại Đại học Quốc gia Hà Nội, phù hợp để chế tạo vật liệu và linh kiện bán dẫn.
Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các công ty hàng đầu về sản xuất chip và linh kiện bán dẫn như Micron, Intel, Foxconn, Samsung Electronics, LG Display, Canon, Nissan hay các tập đoàn công nghệ cao như FPT, Viettel, VNPT… Ngoài ra, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận học bổng để tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu thế giới tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hoa Kỳ…
Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên chương trình đào tạo công nghệ chip bán dẫn vào năm nay, với chỉ tiêu 100 sinh viên.
Trường đã chính thức xây dựng chương trình đào tạo công nghệ chip bán dẫn với mục tiêu cung cấp đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế. Chương trình được thiết kế theo các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, kết hợp giữa nền tảng lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, trường chú trọng hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp tại Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc thực tập, phát triển nghề nghiệp.
Việc triển khai chương trình đào tạo công nghệ chip bán dẫn tại nhà trường là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chương trình kỳ vọng sẽ góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại khu vực.
Năm nay, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội mở thêm 4 ngành mới, chuyên về công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn. Trong đó, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch được xây dựng dựa trên nền tảng của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, cả hai đều có chung một mã xét tuyển. Thí sinh đăng ký vào ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông khi trúng tuyển sẽ được lựa chọn học chuyên về Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông hay thiên về định hướng thiết kế vi mạch. Tổng chỉ tiêu ngành này là 480 sinh viên. Những tân sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch sẽ được tham gia vào các nhóm nghiên cứu, thiết kế về bán dẫn từ những năm đầu tiên.
Với thế mạnh về vật lý, kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng, Trường Đại học Công nghệ mở thêm một ngành hoàn toàn mới là Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), nhằm cung cấp kiến thức liên quan đến vật liệu, công nghệ chế tạo cho sinh viên. Chương trình này dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu, đào tạo 4,5 năm và thí sinh tốt nghiệp nhận bằng kỹ sư. Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ vật liệu có thể tham gia vào thị trường lao động các mảng về vật liệu, chế tạo, đóng gói trong bán dẫn. Đây là ba vị trí việc làm chủ đạo của ngành công nghiệp này.