Lạm thu dưới danh nghĩa phụ huynh: Khó cấm

Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục không lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh để thu thêm ngoài quy định.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh học sinh cho rằng quy định này cũng chỉ là "Trên nói trên nghe", còn dưới vẫn chưa thực hiện.

Việc cấm là của cấp trên

 Ngay từ trước khi bước vào năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định của Thông tư số 29 của Bộ giáo dục và Đào tạo về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
 
Sở chỉ đạo các đơn vị rà soát các văn bản quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành, công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên cũng quán triệt Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường...

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Cấp dưới vẫn 'lãng quên'

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh ở Hưng Yên, dù năm nào ngành giáo dục cũng chỉ đạo, quán triệt nội dung trên, nhưng tại nhiều nơi tình trạng thu các khoản ngoài quy định vẫn diễn ra phổ biến. Ở không ít trường, có hiện tượng ban đại diện hội phụ huynh đứng ra "vận động" đóng góp mua một số thiết bị cho lớp học như: điều hòa nhiệt độ, quạt điện, rèm cửa, chậu hoa trang trí... Trong khi các phòng học đều đã được trang bị quạt điện, nhưng năm nào bố mẹ học sinh cũng phải đóng góp để mua sắm, sửa chữa, dù không bị hỏng. Có lớp mua chậu hoa trang trí một năm nhiều lần vì cứ mua xong một thời gian lại bị mất, phải mua lại.

Điển hình như ở một số trường trên địa bàn thành phố Hưng Yên, chuyện mua sắm điều hòa nhiệt độ cho các phòng học đã gây nhiều bức xúc. Chị L và nhiều phụ huynh ở phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên  cho biết, năm học trước ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học Nguyễn Huệ vận động phụ huynh "tự nguyện" đóng góp 300.000 đồng/cháu để mua điều hòa nhiệt độ. Không ít phụ huynh thắc mắc: Cả năm học từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau không phải là mùa hè nắng nóng thì không cần thiết phải sắm điều hòa gây lãng phí. Tuy nhiên, do các phụ huynh thuộc gia đình có điều kiện đã "tự nguyện nhất trí cao" nên nhiều gia đình dù kinh tế eo hẹp, vẫn buộc phải bấm bụng đóng góp cho con.

Về chuyện mua điều hòa nhiệt độ, một phụ huynh tên H có con học ở trường Tiểu học Nguyễn Huệ cho biết, với các cháu lớp 5, dù chỉ còn 1 năm học nhưng vẫn đóng đủ 300.000 đồng; khi kết thúc năm học, chiếc điều hòa đó được "tặng" lại cho trường; năm học sau nhà trường chuyển cho lớp khác và các cháu này lại tiếp tục đóng mỗi cháu 300.000 đồng. Cũng theo chị H, với các khoản thu đầu năm học nhà trường thường thu rải làm nhiều lần, chứ không thu "một cục" nhằm tránh gây sự chú ý thắc mắc của phụ huynh.

Những năm học gần đây, việc các trường tổ chức cho học sinh đi "dã ngoại" để trải nghiệm thực tế cũng gây bức xúc dư luận. Anh T, anh lái xe cho một đơn vị du lịch tiết lộ, mức thu trên đầu học sinh trong mỗi chuyến dã ngoại đều chênh lệch cao hơn so với chi phí thực tế, nhưng không ai kiểm soát. Đáng chú ý, ở nhiều trường  tổ chức cho học sinh lớp 1 và lớp 2 đi "dã ngoại" nhiều hơn các lớp trên; nhà trường đã lợi dụng các cháu còn nhỏ, cần có bố mẹ đi kèm, nên các suất đi tăng "một thành hai" và dễ dàng thu được nhiều tiền hơn.

Gần đây, việc lạm thu vẫn diễn ra và được biến tướng dưới danh nghĩa ban phụ huynh. Theo một số giáo viên giấu tên ở huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào tiết lộ: nhiều khi có các khoản thu rất "tế nhị" và không tiện, thày cô đều phải "khéo léo" nhờ ban phụ huynh đứng ra "thu hộ", để họ tự vận động nhau dễ hơn, mà nhà trường không bị mang tiếng.

Tại các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Mỹ Hào, Kim Động, Tiên Lữ... đã có không ít đơn thư phản ánh, tố giác chuyện lạm thu, thu trái quy định diễn ra ở một số trường, gây bất bình trong nhân dân. Điển hình như tại Trường Tiểu học Lệ xá, huyện Tiên Lữ, một vị hiệu trưởng đã bị kỷ luật cách chức và bị truy tố do lạm thu, là bãi học nhãn tiền.

Hiện dư luận nhân dân ở Hưng Yên rất mong Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo quyết liệt, có biện pháp mạnh trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để lạm thu. Để những quy định, nghị định và thông tư thực sự đi vào cuộc sống, để không còn tình trạng "trên bảo dưới không thực hiện".

Mai Ngoan (TTXVN)
 Yêu cầu kiểm tra việc lạm thu tại trường tiểu học Sơn Đồng
Yêu cầu kiểm tra việc lạm thu tại trường tiểu học Sơn Đồng

Sáng ngày 5/9, thành phố Hà Nội có công văn 4095/UBND-TKBT gửi chủ tịch UBND huyện Hoài Đức yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu về các khoản thu tại trường tiểu học Sơn Đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN