Còn nhiều vướng mắcTheo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), cả nước có 430 trường ĐH, nhưng chỉ có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD - ĐT công nhận gồm: Trung tâm thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thuộc ĐH Đà Nẵng và thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Đây là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu.
Sẽ có hướng dẫn tiêu chí kiểm định cho từng loại hình trường đại học. |
Theo các chuyên gia, công tác kiểm định chất lượng cho mỗi trường phải cần ít nhất một tháng mới hoàn tất, nghĩa là mỗi năm 4 trung tâm trên chỉ có thể thực hiện kiểm định được tổng cộng 48 trường. Như vậy, nếu thực hiện theo quy định của Bộ là cứ 5 năm các trường ĐH phải kiểm định lại một lần thì sẽ không thể đáp ứng được.
“Cả nước có 3.000 chương trình đào tạo, thì mới có 61 chương trình đã thực hiện kiểm định chất lư.ợng giáo dục cấp quốc tế. Đến nay, Bộ đã đưa các trường, chương trình được kiểm định lên website của Bộ để xã hội và người học giám sát”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Số lượng thì như vậy, nhưng chất lượng cũng là vấn đề. 2/4 trung tâm kiểm định này chỉ mới vừa được thành lập. Vì vậy, ngoài trung tâm kiểm định của ĐH Quốc gia Hà Nội đã có hơn 30 trường tham gia đăng ký kiểm định; còn những trung tâm khác đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chí đánh giá và thực hiện kiểm định thử nghiệm. Vi vậy để khuyến khích các trường tham gia cũng là điều khó khăn.
“Tốc độ kiểm định ban đầu còn khó khăn và chậm, bởi chưa đủ lực lượng kiểm định viên. Một số đơn vị được Bộ phân công kiểm định, giờ mới đang đưa người đi đào tạo kiểm định viên theo chuẩn ASEAN”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết.
“Hệ thống kiểm định cần có các tiêu chí kiểm định cho từng tầng, từng trường, loại hình nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành; có như vậy mới đảm bảo được tính công bằng, khách quan. Đây là điểm mà nhiều trường quan tâm”, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng cho biết.
Sẽ có chế tài Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về phân tầng xếp hạng các trường ĐH và Bộ đang trong quá trình xây dựng các thông tư hướng dẫn. Bộ sẽ cụ thể hóa các tiêu chí về định lượng để các cơ quan kiểm định làm căn cứ thực hiện và các trường giám sát quá trình kiểm định. Cụ thể, những tiêu chí ấy sẽ chia làm 3 tầng: ĐH theo hướng nghiên cứu, ĐH theo hướng ứng dụng và ĐH theo hướng thực hành.
Với công tác quản lý nhà nước, kiểm định chất lượng đào tạo của các trường ĐH cũng là cơ sở quan trọng để đầu tư và phát triển hiệu quả hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo. Chính vì vậy, công tác kiểm định cần phải được sớm triển khai và hoàn tất.
Trong điều kiện hiện nay, khi hệ thống trung tâm kiểm định của Việt Nam còn thiếu và yếu, thay vì chờ đợi, Bộ khuyến khích các trường ĐH mời các trung tâm kiểm định quốc tế tham gia kiểm định. Về phía Bộ cũng sẽ mời một số đơn vị kiểm định quốc tế tham gia đánh giá, kiểm định. “Trong xu thế hội nhập, với các chương trình học của các trường đã được kiểm định, sinh viên khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh việc làm hơn”.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để có nhiều trường tham gia kiểm định, thời gian tới, Bộ sẽ kiện toàn các chế tài để các trường phải thực hiện kiểm định giáo dục cả đánh giá bên trong (tự kiểm) và đánh giá bên ngoài của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Chế tài này sẽ sớm được công bố sau khi hoàn tất đợt I của việc tuyển sinh ĐH, CĐ.