Khuyến học khơi nguồn sự nghiệp “trồng người”

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc học hành, tiếp bước các em đến trường luôn là vấn đề nan giải, được ngành giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh quan tâm.

Để góp phần hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, những năm qua, các cấp hội Khuyến học Sóc Trăng đã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Công tác vận động gây quỹ khuyến học, khuyến tài được các cấp hội thực hiện rất đa dạng, nhằm hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học - tiếp sức để các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường.

Thường ngay từ đầu năm, Hội Khuyến học Sóc Trăng luôn xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu; khảo sát, giới thiệu đối tượng học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tiêu biểu cho các nhà tài trợ, các chương trình phát sóng trên đài truyền hình... Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, các cấp hội đã kêu gọi mạnh thường quân, các tổ chức, đơn vị đóng góp hỗ trợ quỹ khuyến học.

Đặc biệt, nhiều năm qua công tác này còn được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Vận động cán bộ lãnh đạo nhận nuôi dưỡng học sinh, sinh viên nghèo trên địa bàn công tác bằng hình thức cấp học bổng mỗi học kỳ; vận động các hộ nông dân đóng góp quỹ khuyến học dựa trên cơ sở diện tích đất canh tác; vận động các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đóng góp quỹ khuyến học hoặc hỗ trợ xe đạp, quần áo, cặp sách, vở viết; vận động cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang đóng góp 1 ngày lương để gây quỹ khuyến học cho Chi hội đơn vị đang công tác…

Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Bằng sự đóng góp thiết thực, năm 2016 vừa qua, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã vận động được 27,5 tỉ đồng; trao 37.548 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học với tổng giá trị hơn 19 tỉ đồng; vận động người dân hiến đất xây trường học, sửa chữa cơ sở vật chất... với tổng số tiền hơn 5,1 tỉ đồng...

Theo Nhà giáo Nhân dân Lâm Es - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng: Đạt được kết quả đáng trân trọng như vậy là nhờ sự tích cực đóng góp thường xuyên của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như: Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết Sóc Trăng tài trợ học bổng Lương Định Của, Chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” phát sóng trên Đài Truyền hình Sóc Trăng; Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa tài trợ Chương trình học bổng “Thắp sáng niềm tin” phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long; Công ty Viễn thông Di động Mobifone, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (chương trình học bổng Vì em hiếu học), Hội ESPOIR POUR UN ENFANT (E.P.E - Niềm hy vọng của trẻ em tỉnh Lyon, Pháp), Công ty Liên doanh TNHH Phú Mỹ Hưng, gia đình ông Dương Kỳ Hiệp (tài trợ chính cho học bổng Dương Kỳ Hiệp)…

Ông Dương Kỳ Hùng - một trong những thành viên hỗ trợ học bổng Dương Kỳ Hiệp chia sẻ: Là người con quê hương Sóc Trăng, hiểu được nổi vất vả khó khăn của người dân quê mình, nhất là chuyện học hành của các cháu nên gia đình quyết định đóng góp vào quỹ khuyến học cho địa phương để hỗ trợ học sinh được tiếp bước đến trường.

Quỹ Khuyến học “Dương Kỳ Hiệp” triển khai từ năm 2012, ngoài sự đóng góp của con cháu trong gia đình, quỹ còn nhận được sự tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Cao su Phú Riềng và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)... Từ đó đến nay, mỗi năm đều có hàng trăm học sinh nghèo được hỗ trợ từ nguồn học bổng Dương Kỳ Hiệp.

Có thể nói, dù số tiền hỗ trợ chưa phải là nhiều nhưng đã kịp thời giúp đỡ các em trong lúc khó khăn, thiếu thốn và hơn thế nữa đó còn là niềm khích lệ tinh thần hết sức lớn lao để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Điển hình như trường hợp của em Tạ Thanh Tân - học sinh lớp 12, Trường THPT An Ninh (Mỹ Tú) .

Không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa, bởi tuổi thơ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất, thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ nhưng Tân luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với bà ngoại và ngay cả chuyện học hành. Mỗi ngày, ngoài giờ lên lớp, em phải tranh thủ về nhà lo cơm nước phụ ngoại.

Nhiều năm qua, hai bà cháu sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con họ hàng. Để hỗ trợ cho em - cậu học trò nghèo nhưng đầy tinh thần hiếu học, nhà trường luôn ưu tiên những suất học bổng khi có đơn vị nào tài trợ. Không chỉ vậy, thầy cô ở trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm thỉnh thoảng ủng hộ em vài ba trăm ngàn, hoặc lúc thì vài ký gạo hay tập vở để em yên tâm học tập.

Đặc biệt, năm học vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh, thông qua chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” đã hỗ trợ em số tiền 5 triệu đồng cùng một số nhu yếu phẩm. Tân tâm sự: "Ngay từ lớp 6, em đã biết trồng rau, nuôi gà mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Đến khi nhận được số tiền học bổng của Hội Khuyến học trợ cấp, em đã phát triển thêm đàn gà để bán xoay vòng. Em hy vọng mình sẽ tích lũy được một số tiền để có thể trang trải khi vào đại học".

Bằng sự nỗ lực hết mình của các cấp hội khuyến học, sự chung tay đóng góp của toàn xã hội đã góp phần đưa công tác khuyến học, khuyến tài ở ở Sóc Trăng ngày càng khởi sắc, giúp cho hàng ngàn lượt học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn có điều kiện vươn lên trong học tập...

Trung Hiếu (TTXVN)
Sôi động phong trào khuyến học ở vùng cao
Sôi động phong trào khuyến học ở vùng cao

Hơn 15 năm qua, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) đã có nhiều sáng kiến phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, cổ vũ tinh thần cho nhiều học sinh vùng cao đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN