Trong 40 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã không ngừng đổi mới, phát triển để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nổi bật, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi ngày càng cao, tính đến năm học 2022 - 2023, có 99,99% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo, 99,95% học sinh Tiểu học, 95,35% học sinh Trung học Cơ sở và 74,35% học sinh Trung học Phổ thông đi học đúng độ tuổi.
Bên cạnh đó, Long An đặc biệt quan tâm sắp xếp hệ thống trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo lộ trình nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đến nay, toàn tỉnh có 591 cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông được đầu tư kiên cố trải đều 188/188 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 54,31% (321/591) trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục. Đến nay, số lượng giáo viên toàn tỉnh có 15.000 người, tăng 50% so với năm 1985 (có gần 10.000 người).
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được ghi nhận, biểu dương thành tích của đội ngũ thầy cô giáo trong tỉnh; đồng thời, khẳng định những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy cô giáo đã góp phần làm nên sự thay đổi của quê hương. Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh không ngừng được đổi mới, nâng cao, qua đó đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội để Long An từng bước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, “lấy nhà trường làm nền tảng”,“lấy thầy cô giáo làm động lực”, ông Nguyễn Văn Được tin tưởng và mong muốn, đội ngũ thầy cô giáo phải tận tâm, tận tụy “dạy tốt”, luôn là tấm gương đạo đức, nỗ lực tự học, sáng tạo cho học sinh noi theo, không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Long An đề nghị, các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo nguyên tắc “dạy thật, học thật, thi thật và đạt thành tích thật”. Song song đó, cần quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là chính sách đặc thù liên quan đến thu nhập, điều kiện làm việc để thầy cô ổn định cuộc sống, an tâm công tác. Các cấp, ngành cần rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng “vừa thừa vừa thiếu giáo viên”, bảo đảm sự sắp xếp, bố trí giáo viên một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả nhất.
Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021 - 2022. Sở Giáo dục và Đào tạo Long An là một trong 26 đơn vị được nhận Bằng khen của Bộ trong năm học vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An tặng Bằng khen cho 37 tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người” năm học 2021 - 2022.
Hậu Giang quan tâm đầu tư tốt nhất cho giáo dục
Ngày 18/11, phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư những gì tốt nhất có thể, đồng hành cùng ngành Giáo dục trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn ngành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong điều kiện cách mạng 4.0 đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống, chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu của thời đại thì ngành Giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành Giáo dục phải là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và dạy học. Trong đó, công tác quản lý các cơ sở giáo dục phải từng bước đổi mới từ quản lý sang quản trị; việc dạy học phải từng bước được số hóa phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục.
Cũng theo ông Đồng Văn Thanh, tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các ngành học, cấp học với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Do vậy, ngành Giáo dục cần tiếp tục lấy nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
"Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3, Hậu Giang triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giáo dục trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Hậu Giang. Trong điều kiện toàn tỉnh đang quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành Giáo dục gặp không ít khó khăn, thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang tin tưởng với truyền thống “Khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình để thi đua Dạy tốt - Học tốt”, các thầy giáo, cô giáo sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn trên" - ông Đồng Văn Thanh nói.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, với vị trí và tầm quan trọng của sự nghiệp "trồng người", ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực, quyết tâm từng bước đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh theo kịp các tỉnh trong khu vực cũng như cả nước. Phong trào thi đua "Hai tốt" tiếp tục được duy trì hiệu quả, phù hợp điều kiện của tỉnh. Qua đó, đã tạo dựng được tâm thế mới, tinh thần mới về thi đua rèn luyện trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh.
Từ những phong trào thi đua sôi nổi, đầy ý nghĩa, tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tích cao. Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống mạng lưới trường lớp học (theo hướng ghép điểm lẻ về điểm chính), năm qua, toàn ngành đã xóa được 11 điểm lẻ (4 điểm lẻ trường mầm non, 7 điểm lẻ trường tiểu học), sáp nhập 4 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu được giao 82,6%.
Những năm gần đây, giáo dục Hậu Giang đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hậu Giang là một trong 26 đơn vị trên toàn quốc có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021 - 2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen...